Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành đợt kiểm tra này gồm Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin, Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Bộ Công an. Đoàn đã xử phạt mỗi công ty Phong Vũ và Hoàn Long 25 triệu đồng, tịch thu 40 CD-ROM dùng cài đặt các phần mềm bất hợp pháp của Microsoft, Vietkey 2000, ACDSee, Corel Draw... Tuy nhiên, cũng như đợt kiểm tra và xử lý 3 công ty máy tính ở Hà Nội vào đầu tháng 5, dư luận vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của chiến dịch: Phải chăng những đợt kiểm tra 1-2 công ty máy tính chỉ mang tính răn đe, bởi trong thực tế còn hàng ngàn công ty máy tính vẫn đang bán các phần mềm không có bản quyền? Và những công ty đã bị xử phạt sau đó có bảo đảm không tái phạm?...
Ông Phan An Sa - quyền Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết: "Trong đợt kiểm tra các công ty ở Hà Nội vào tháng 5, Bộ Văn hóa - Thông tin chưa tham gia nên đợt thanh tra ở TP Hồ Chí Minh được xem là lần ra quân đầu tiên của Bộ trong lĩnh vực vi phạm bản quyền phần mềm. Tôi đã có báo cáo trình Bộ trưởng về kết quả đợt thanh tra, theo đó, đoàn thanh tra đã được chuẩn bị tốt từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành và đã xác lập hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền phần mềm. Về phía đối tượng thanh tra, cả hai công ty đều có thái độ nghiêm túc, hợp tác chấp hành việc xử lý. Các cuộc kiểm tra đột xuất ở một số công ty được tiến hành xuất phát từ đơn khiếu nại của người bị thiệt hại và hiệu quả của nó trước hết là thể hiện tính răn đe, cảnh cáo. Các công ty khác dù chưa bị kiểm tra thì cũng phải có thái độ chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc các quy định kinh doanh về bản quyền phần mềm". Ông Sa cũng cho biết sắp tới Bộ Văn hóa - Thông tin sẽ có kế hoạch triển khai mạnh mẽ, thường xuyên và liên tục các đợt kiểm tra, đặc biệt tập trung ở 5 thành phố lớn có hoạt động kinh doanh máy tính sôi động nhất trong cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bộ cũng sẽ có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn cho thanh tra các sở Văn hóa - Thông tin để trực tiếp thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh.
Việc Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh và thực hiện triệt để việc chống vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam rõ ràng là cần thiết, đặc biệt khi chúng ta đã chính thức gia nhập Công ước quốc tế Berne bảo hộ quyền tác giả cho 155 nước vào ngày 26/10 vừa qua. Chiến dịch chống vi phạm bản quyền phần mềm ngay từ đầu đã nhận được sự ủng hộ của các công ty sản xuất phần mềm trong và ngoài nước. Đại diện Công ty Microsoft Việt Nam nói: "Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, khuyến khích sự phát triển công nghiệp phần mềm trong nước thì Nhà nước cần nghiêm khắc trong việc thực thi Luật Bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Microsoft sẽ hỗ trợ Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an trong việc phổ biến các hình thức vi phạm bản quyền phần mềm và phối hợp hướng dẫn, tập huấn cho các chiến sĩ cảnh sát cách phát hiện các vi phạm bản quyền phần mềm của Microsoft".
Ông Hà Thân - Giám đốc Công ty Lạc Việt, một công ty phần mềm Việt Nam có nhiều sản phẩm đang bị sử dụng bất hợp pháp bày tỏ: "Một số ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc sử dụng các sản phẩm phần mềm theo đúng pháp luật có thể sẽ vượt quá khả năng kinh tế của không ít người. Theo tôi, hãy hình dung việc sử dụng phần mềm máy tính có bản quyền cũng giống như việc "đi bộ thì bỏ ra ít tiền hơn đi xe đạp, xe đạp thì ít tiền hơn xe gắn máy, xe máy thì ít tiền hơn xe hơi, máy bay..." sẽ thấy: tiền nào thì tiện nghi nấy. Phần mềm là công cụ giúp nâng cao năng suất công tác, do đó, muốn có phương tiện năng suất cao, để mau chóng thoát nghèo nàn lạc hậu thì cần phải chấp nhận đầu tư ban đầu nhiều hơn".
Tố Tâm
Bình luận (0)