2 ngàn đồng và 70 kg
Khuya, xe hàng vẫn chưa về. Phía góc nhà xe, đám phụ nữ tuổi chừng 30 – 45 đang bó gối trò chuyện. Một số khác ngủ ngon lành trên tấm ni-lông trải dưới nền đầy bụi bẩn. Họ cùng gióng tai lắng nghe tiếng xe hàng về bến.
Thức trắng đêm làm nghề bốc vác, đối với ai cũng đã cực muôn phần, huống chi những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Đã vậy, công việc này cũng không mấy suôn sẻ với chị em. Bởi cánh nam giới có sức khỏe thường giành giật hết. Vả lại, những người phụ nữ ở các xóm vạn đò tìm đến chợ Đông Ba làm nghề này ngày càng nhiều, thành ra chính các chị lại phải giành nhau từng lô hàng. “Đồng tiền kiếm được ngày càng khó, không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy chi ăn”, một chị nói.
Chị Nguyễn Thị Thủy gắng sức để đưa thùng hàng lên cao - Ảnh: Minh Phương |
Hiện ở chợ đầu mối Đông Ba có hai đội bốc vác chính. Một đội khoảng 15-20 người, cả nam lẫn nữ thay phiên nhau làm từ 6 giờ sáng ngày hôm nay đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Trung bình mỗi tấn hàng đội bốc vác được trả 20.000 - 25.000 đồng, mỗi người thu nhập bình quân không quá 50.000 đồng/ngày. |
Từng chuyến hàng lần lượt vơi dần trên mỗi đôi vai của các chị. Có đêm, nhiều chị bốc đến 6 giờ sáng mới nghỉ. Đêm của các chị chỉ bắt đầu khi dòng người ngược xuôi trên phố phường...
Nghề gia truyền
6 thùng hàng nặng khoảng 500 kg, nhưng các chị chỉ đẩy một mình - Ảnh: Minh Phương |
Gắn bó với nghề bốc vác này lâu nhất có bà Trần Thị Yến. Gần tuổi 60, bà Yến có thâm niên 30 năm thức đêm ở chợ Đông Ba mưu sinh. Song sự túng quẫn luôn bám lấy bà. Nhìn khuôn mặt hốc hác, ai cũng nghĩ bà đã 70. Mấy năm nay, khi trái gió trở trời, chứng bệnh đau cột sống của bà trở lại. Trước đây, bà cũng bốc hàng từ xe xuống, bốc hàng từ các đại lý ra xe. Nay do tuổi tác không cho phép và một chân của bà đã bị tật (bốc vác dẫn đến trật khớp), nên có hôm bà đành phải “kéo thêm” đứa cháu nội 15 tuổi ra đẩy xe giúp. “Không làm thì không biết lấy tiền mô mà ăn. Biết là đời mình đã khổ, đã cực, nên đến đời cháu quyết phải cắt đứt với cái nghề ni, nhưng nhiều hôm tui vẫn phải kéo nó theo phụ giúp. Không có nó, tui đẩy một mình, chân cà nhắc thì được mấy tiền”, bà nghẹn lời.
Hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Mai (38 tuổi, ở phường Phú Bình) cũng không kém phần thương tâm. Là cư dân vạn đò sống trôi nổi trên sông Đông Ba, đến tuổi lấy chồng gặp phải anh chồng nát rượu, đạp xích lô nhưng ngày nào cũng say “không nhớ đường về”. Biết cuộc sống khó khăn, sinh đứa con đầu mới được năm tháng, chị phải đi làm những việc như bóc vỏ hành, rửa chén bát ở chợ... Nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Một lần, chị nghe người ta kể về nghề bốc vác thuê ở chợ Đông Ba, lại muốn làm khi nào thì làm. Thế là, chị đổi sang nghề bốc vác. Rồi chị “bén duyên” luôn với nghề, với các chị em ở chợ mỗi đêm. “Mới ngày mô mà tui cũng làm nghề ni được 18 năm rồi, nghĩ cũng nhanh thiệt”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Mai đang tìm cách nhấc thùng hàng xuống đất - Ảnh: Minh Phương |
Câu chuyện về trường hợp của chị Trần Thị Hường khiến chúng tôi giật mình. Bảy năm làm bốc vác, chị có tới bốn lần vào bệnh viện vì gãy tay, trật khớp chân. Biết mình bệnh tật, chị không dám cho chồng con biết, chỉ lặng lẽ làm lụng. Đến khi người ta thấy một người phụ nữ gầy gò, với chiếc nón bạc màu đi bán vé số, mới biết chị thôi không đi bốc vác nữa. “Chuyện trật gân, trẹo vai, trẹo cột sống xảy đến như cơm bữa. Có bong gân, trật khớp thì xoa dầu, nắn bóp qua loa rồi lại tiếp tục làm. Tất cả cũng vì miếng cơm manh áo, chứ làm gì có tiền mà vô bệnh viện”, một chị nói.
Trước đây, mẹ chị Hường cũng là một phụ nữ chuyên ngủ đêm bốc vác ở chợ Đông Ba. Lớn lên, lấy chồng, buôn bán không thành vì đồng vốn eo hẹp, chị cùng chồng nối nghiệp mẹ đã hơn 10 năm nay. “Từ mẹ rồi đến chúng tôi đều nhờ nghề ni mà sống cả. Không biết những đứa con của tui sau này có thoát khỏi cái “nghề gia truyền” này không...”, chị buột miệng rồi nhìn vào khoảng đêm mù mịt...
Minh Phương
Dọc đường mưu sinh:
> Bài 1: Vá xe có bảo hành
> Bài 2: Người cắt tóc lấy tiền công theo giá vé số
> Bài 3: Sống nhờ giếng cổ
Bình luận (0)