Theo biên bản cuộc họp, nhà thầu phụ Alpha có hợp đồng với Công ty Cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC và được phép tiến hành kiểm tra mối hàn số J19 trên sàn 2-Cellar Deck, giàn BOD theo giấy phép làm việc công trường số 127 ngày 28-12-2007 sử dụng thiết bị chụp ảnh phóng xạ Model IRS 100 với nguồn phóng xạ kín Ir 192, Series N071226, hoạt độ 26.28 Ci, thời gian cho phép làm việc từ 11h30 đến 12h30 ngày 28-12-2007.Nhà thầu phụ Alpha cùng các bên liên quan đã tiến hành các thủ tục, giấy phép cần thiết và công việc được tiến hành.
Trả lời báo chí chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Thời, Giám đốc Công ty TNHH Alpha cho rằng việc để rơi nguồn phóng xạ gây tâm lý hoảng loạn cho gần 400 công nhân là do nhân viên kỹ thuật của Alpha “ quá tự tin” chứ không phải là do chủ quan và vi phạm quy trình, và đến thời điểm này vẫn chưa xác định nguyên nhân tại sao nguồn phóng xạ lại rơi ra khỏi thiết bị chụp ảnh phóng xạ và thời điểm rơi là khoảng từ 11h30 đến 12h30 ngày 28-12.
Biên bản cuộc họp này cũng cho biết, vào lúc 11h ngày 30-12, toàn bộ các thành viên tham gia cuộc họp tiến hành ra hiện trường, đo đạc các thông số bức xạ tại các vị trí bức xạ trên mặt đất, vị trí rơi nguồn trên sàn BOD và các khu vực xung quanh của giàn BOD bằng năm máy đo của Cục KSATBXHN, Sở Khoa học công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty PTSC M&C, nhà thầu Alpha, Trung tâm hạt nhân Tp.HCM. Kết quả đo cho các thông số chi tiết ghi nhận được tương ứng là 0,12; 0,12; 0,1; 0,14; 0,12. Thông số tại vị trí rơi nguồn tương ứng là 0,06; 0,02; 0,03; 0,05; 0,06. Kết luận biên bản làm việc cho biết, tại khu vực nguồn rơi được phát hiện và công trường, suất liều bức xạ bằng mức phông môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho con người làm việc. Môi trường xung quanh tại thời điểm đo là hoàn toàn không có nhiễm bẩn phóng xạ và không có biểu hiện của sự rò rỉ phóng xạ.
Trao đổi với báo chí cuối buổi chiều 30-12, đại diện lãnh đạo PTSC đã cho biết kết quả kiểm tra sức khoẻ của gần 400 công nhân tại bệnh viện Lê Lợi cho thấy sức khoẻ bình thường; 28 công nhân kiểm tra tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt kết quả kiểm tra ban đầu cũng chưa thấy có dấu hiệu bị nhiễm xạ. Tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục KSATBXHN cho biết, nguồn phóng xạ bị rơi là nguồn phóng xạ kín. Công nghệ chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ kín và trên thế giới sự cố rơi nguồn, kẹt nguồn trong thiết bị vẫn thường xảy ra nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào bị phơi nhiễm phóng xạ. Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng Tiến sĩ Đặng Thanh Lương cho rằng việc số công nhân tiếp xúc gần với nguồn phóng xạ bị rơi có bị phơi nhiễm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với kinh nghiệm của mình, Tiến sĩ Lương cho rằng với hoạt độ của nguồn phóng xạ kín này lúc bị rơi là 26.28 Ci thì khả năng phơi nhiễm đối với người tiếp xúc trong khoảng cách gần thì chỉ bằng một lần chụp CT toàn thân và đây chỉ là rủi ro chứ chưa đến mức “ sự cố”.
Theo TTXVN
Bình luận (0)