Hoa phương Đông duyên dáng, mềm mại. Tại các vườn hoa trong thành phố hay trong các vườn nhà của tư nhân, du khách có thể nhìn thấy màu hồng của hoa đào, hoa tường vi; màu tím của hoa cúc Nhật Bản, Ngọc Hân; màu vàng của cúc đại đóa, hoa thiên lý, màu đỏ của dâm bụt; màu trắng của hoa sứ, hoa huệ, trà mi ...
Về đêm, du khách có thể thưởng thức hương thơm ngào ngạt và dịu dàng tỏa ra từ hoa dạ lan, hoa lài, hoa hồng... làm cho núi rừng cao nguyên càng thêm thơ mộng và quyến rũ. Hoa cúc ở Đà Lạt nở quanh năm. Có tất cả trên 20 thứ cúc khác nhau. Một trong những loài hoa cúc hay được nhắc đến là sans - souci (không vướng ưu phiền - vô ưu) sau đó là hortensia (hoa cẩm tú cầu), pensée, cosmos (bươm bướm), Oeiuet (cẩm chướng), violette (hoa tím), immortelle (hoa bất tử), arum (hoa cuống kèn). Một số loài hoa mang nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Mexico, châu Phi hoặc châu u nhưng lại có tên Việt Nam hẳn hoi như: hoàng anh (verged’or), thược dược (dahlia), thu hải đường (bégomia rex), mõm sói (gueule de loup), hoa lồng đèn (fuchsia), xác pháo (sauge éclatante), sen cạn (capucine)...
Đó là những hoa có nguồn gốc xuất xứ, còn hoa rừng ở Langbian thì nhiều vô kể, vả lại nó vừa lạ vừa đẹp. Trên những khu rừng ven suối, rừng thông trên đỉnh Langbian có biết bao loài hoa phô sắc như anh đào, hoa lan, hoa đỗ quyên, hoa mua, bướm bạc...
Anh đào là loại hoa mọc hoang trong rừng, từ đầu thế kỷ 20 được đem về trồng ở Đà Lạt. Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào độ gần Tết, hoa lại nở rộ báo hiệu xuân sang và một năm mới sắp về. Cây anh đào Đà Lạt có tên là prunus cerasoides, có hoa đơn năm cánh giống như hoa mai. Cây anh đào mang đặc tính của thực vật miền ôn đới, đến mùa thu cây trút lá và bước vào thời kỳ nghỉ đông, cây chỉ còn trơ lại những cành hoa anh đào. Năm 1964, Đà Lạt được du nhập thêm giống hoa anh đào Nhật Bản trồng ở ven hồ Xuân Hương nhưng vì nhiệt độ chưa đủ lạnh, độ ẩm còn thấp, thiếu sương mù nên không sống nổi.
Hoa hồng thì có nguồn gốc từ Trung Đông như loại rosa lutea hay di thực từ Trung Quốc vào châu u hồi thế kỷ 18 như rosa indicafragans. Ngoài ra, Đà Lạt còn mang nhiều giống hồng mang tên phương Tây như giống Brigide Bardot có màu hồng thắm, ngọt ngào như môi cô tài tử lừng danh nước Pháp. Giống silver star màu tím nhạt thật quyến rũ, giống America màu đỏ tươi rực rỡ, giống Josephine Kennedy màu vàng óng ánh, giống Grace Monaco màu hồng phấn trang đài như hoàng hậu xứ Monaco.
Còn các hoa phương Tây thì từ khi du nhập vào Đà Lạt, mãi cho đến nay vẫn giữ cái tên nguyên thủy của nó như mimosa, lys, glaieul, coquelicot, marguerite, gerbera...
Hoa lan ở Đà Lạt có trên 200 loài, trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới được mang tên Đà Lạt hay Langbian.
Lan ở Đà Lạt được xếp thành 3 loại chính là thổ lan, thạch lan và phong lan. Thổ lan tức lan đất, mọc ở trên bờ suối hay ở những nơi ẩm ướt trong rừng thẳm. Thạch lan tức lan đá, mọc trong khe hay trên núi đá có rêu xanh. Phong lan thì sống cộng sinh trên thân cây khác.
Lan còn đặt tên theo hình dáng và màu sắc của hoa, lá hay thân, rễ của nó như hạc đính, bạch hạc, nhất điểm hồng, thủy tiên, tiên hài, hàm lân, kim điệp, long tu, hoàng lan, bò cạp... Đa số những lan vừa kể hay nở trong mùa đông hoặc mùa xuân. Thường thường thì những nhà chơi lan có các loại hoa này để thưởng thức trong dịp Tết.
Lan là loài hoa quý được nuông chiều khi nó hội đủ điều kiện về hình dáng và màu sắc. Vì vậy mà các nhà chơi lan ở Đà Lạt, từ trước tới nay đã chi phí không biết bao nhiêu công sức, thời giờ và tiền bạc để tô điểm cho lan.
Từ những cây sống cộng sinh trên các thân cây khác trong rừng, lan được con người nhân giống bằng củ và đem bán ngoài thị trường. Ngoài ra, nhiều giống nhập từ nước ngoài về như chateau, sayonara, balkis, oriental legend... đã làm phong phú thêm bộ sưu tập lan của Đà Lạt.
Ngoài lan ra, trên những đồi hoang, những bãi đất trống, người ta còn bắt gặp các loài hoa dại như me đất, trinh nữ, mắt nai, huệ đất, cúc quỳ, đó là những loài hoa đẹp dễ phát triển. Lại có một số hoa có tác dụng về y dược như bồ công anh, cúc nút áo... vừa đẹp lại vừa có ích cho y học.
Có thể nói ở Đà Lạt, đi đâu cũng thấy toàn hoa và có rất nhiều loài hoa cho nên người ta gọi Đà Lạt là “thành phố ngàn hoa”.
(Theo Báo Cần Thơ)
Bình luận (0)