Chuyện tòa án: Một phút nông nổi...

13/12/2004 00:37 GMT+7

Mâu thuẫn, thù tức cá nhân dẫn đến những cái chết thương tâm là vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Ngày càng có nhiều vụ đâm chém, đánh nhau từ những nguyên nhân "vu vơ" nào đó dẫn đến những hậu quả thật đau xót mà chỉ khi đứng trước vành móng ngựa người ta mới cảm thấy hối hận và mong "nếu như được làm lại...". Tuy nhiên, có những lỗi lầm vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội để "làm lại...".

Cuối tháng 10/2004, TAND TP.HCM đưa ra xét xử 16 bị cáo gồm hai nhóm, một là những thanh niên địa phương, một là những công nhân làm việc cho Công ty Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quận 3 (TP.HCM), đang làm việc tại công trường ở xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè). Họ đều là những thanh niên trẻ và bị truy tố ra tòa do đã tham gia cuộc ẩu đả làm 1 người chết, 2 người bị thương.

Nguyên nhân cũng rất đơn giản, chỉ vì trên đường đi làm về, do không có chìa khóa vào nhà nên nhóm công nhân tản ra. Khi họ đi ngang qua quán cà phê Sao Mai gần khu nhà trọ thì gặp nhóm thanh niên địa phương gồm có 8 người cả nam lẫn nữ đang ngồi ăn nhậu trên lề đường trước cửa quán. Điền - một thanh niên trong nhóm ở xã Phú Xuân - đã buông lời trêu chọc: "Ê, Bắc kỳ! Đánh nhau ăn tiền không?". Hai bên lời qua tiếng lại và nhóm của Lợi - thuộc nhóm công nhân trên - đã mang theo "sự ấm ức" bỏ đi về nhà. Rồi khi gặp đông đủ nhóm công nhân cùng ở trọ, sự ấm ức ấy lại nổi lên và muốn giải tỏa bằng con đường... đánh nhau. Kết quả là gần 30 con người với tay gậy, tay xẻng, tay cuốc... kéo đến quán Sao Mai. Lúc bấy giờ Điền, Vũ cùng đồng bọn sợ hãi bỏ chạy vào trong quán đóng cửa lại. Một lần nữa, sự việc đáng lý ra được giải quyết êm đẹp khi anh Tuấn (chủ quán Sao Mai) can ngăn và nhóm của Lợi đã "tỉnh ra", lục đục kéo nhau bỏ đi... Thế nhưng một nhân viên bảo vệ của Công ty Xây dựng khu vực 2 (thuộc Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè) bỗng đâu xuất hiện và "đổ dầu vào lửa" bằng những lời lẽ kích động rằng "tụi bay ra đây, có gì đâu mà sợ?". Và thế là giọt nước đã tràn ly, cuộc hỗn chiến nổ ra không cách gì ngăn cản nổi.

Mới gần 8h, mà trước phòng xử đã đông nghẹt người. Nhiều người mắt đỏ hoe cố gắng đến thật sớm chỉ để được nhìn người thân "lâu một chút" và chỉ để được mắng một câu "sao không lo làm ăn mà lại tụ tập đánh nhau chi vậy". Họ đùm túm, dắt díu, tay xách nách mang lặn lội từ các tỉnh miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng... về TP.HCM từ ngày hôm trước để kịp nhìn thấy con, em mình và chỉ để "cầu nguyện cho nó được hưởng sự khoan hồng". Một anh thanh niên tay nắm chặt chiếc áo lạnh tâm sự với chúng tôi: "Chúng em toàn là những người dân xa xứ đi kinh tế mới, do mấy năm nay cà phê mất mùa nên phải bỏ quê đi làm thuê, cuốc mướn, mưu cầu cuộc sống. Mấy đứa đứng trên kia toàn là bạn em cả"...

Sau khi tòa tuyên án, có người mừng rơi nước mắt vì người thân đã chấp hành xong hình phạt, nhiều bị cáo không giấu được nét hớn hở trên gương mặt khi được cho hưởng án treo. Nhưng lại có một bà mẹ già, nhỏ thó, cầm khăn lau vội những dòng nước mắt, nói trong nghẹn ngào: "Nó (bị cáo Việt - PV) phải nhận lãnh mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù, không biết tui còn sống để thấy ngày nó trở về không nữa". Bà cho chúng tôi biết, nhà bà ở miền Trung nghèo khó, nên Việt không được đến trường. "Cứ nghĩ cho nó vô Sài Gòn làm ăn để có cuộc sống tốt hơn. Nhưng đi làm cả năm nay, đâu thấy đồng bạc tròn méo nào của nó gửi cho đâu" - bà cụ nói. Một anh công an dẫn phạm an ủi: "Như vậy là cũng nhẹ lắm rồi, nó đánh chết một mạng người chứ đâu ít". Nói xong anh nán lại hướng dẫn cho bà cụ làm thủ tục thăm nuôi, còn những người dự khán thì gom góp cho bà được hơn 2 trăm ngàn để bà chi tiêu.

Chúng tôi ra về nhưng cứ ám ảnh mãi bởi câu nói của một bị cáo trước tòa rằng do sống ở quê nên học vấn kém, hiểu biết ít, mới đi làm được vài tháng thì gây nên chuyện. "Chỉ vì một phút hồ đồ không kiềm chế được bản thân tôi đã làm buồn lòng gia đình, chỉ mong pháp luật hãy khoan hồng để tôi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm", bị cáo này nói.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.