Gã nhà văn trẻ, ắt có một cái tên nào đó, thậm chí khá nổi danh trong làng viết lách, có ý thức công dân, biết chăm chút cho gia đình vợ con, nỗ lực hết mình để trở thành một thành viên đàng hoàng trong xã hội... Nhưng rồi người vợ yêu đột nhiên mất tích một cách hoàn toàn phi lý, gã bị đẩy vào hoàn cảnh gà trống nuôi con đầy bi kịch. Người bạn "giang hồ" gần gũi nhất cũng bị thanh toán khỏi cuộc sống, cho đến cuối cùng cũng không hiểu nguyên nhân tại sao. Cô bạn gái, đôi khi trong những phút xao lòng, ngỡ có thể gọi là một tình yêu, nhưng khả năng lớn nhất - dù cùng là hai mảnh vỡ của cuộc đời đã dạt lại gần nhau, cũng chẳng thể ghép khít thành một hình hài hạnh phúc.
Mọi nhân vật, trong cái cộng đồng nhân vật mà tác giả đặt vào không gian của cuốn tiểu thuyết đều chính diện và trong sáng. Người đi câu lựa chọn một cuộc sống cô đơn, hằng ngày xách chiếc cần câu cổ điển đi hàng chục cây số, tìm một bóng cây, trầm tư cùng mặt nước, ăn món sạch, ngủ giấc hồn nhiên, câu dính cá cũng sững sờ ám ảnh bởi "tội lỗi" của mình. Người bảo vệ, chạy trốn mối tình so lệch, một cuộc sống đầy đủ nhưng xa lạ, chấp nhận làm anh tài xế xe thồ để có được tự do. Cô gái Bóng rổ, ngỡ đâu là một hình mẫu ăn chơi bạt mạng, trác táng, đến không cần biết ngày mai, hóa ra lại là một "phù thủy đồng trinh", luôn tha thiết ước mơ một tình yêu, một cuộc đời đơn giản... Nhưng tất cả họ, chẳng hiểu vì sao, dù thanh sạch đến bao nhiêu, dù nỗ lực đến thế nào, vẫn cứ "lạc nẻo trần gian", thậm chí bị tống hẳn ra khỏi cuộc đời một cách tàn bạo nhất!?
Trên bề mặt nghĩa đen, "cộng đồng" nhân vật của Trần Nhã Thụy là những người nhập cư. Vừa phải tìm cách để "được" cuốn vào dòng trôi đô thị, vừa da diết hoài niệm, hay muốn bứt ra để trở về cuộc sống thanh tao quá khứ. Mâu thuẫn ấy mang tính chất xã hội, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả những nước công nghiệp đã phát triển hàng trăm năm, vẫn có những "cộng đồng" không thể hòa nhập như thế. Vấn đề ở chỗ, những kẻ bị đẩy ra lại là những tâm hồn thanh sạch, những nhân cách không chịu nổi lọc lừa, những kẻ luôn muốn tìm cách dung hòa giữa "bán cầu đại não trái và bán cầu đại não phải", nghĩa là giữa lý trí với mộng mơ... hay ở những tầm cao hơn thế nữa.
Cuốn tiểu thuyết dừng lại, khi cái đẹp đang thất thế, sợi chỉ bám víu cuối cùng là một sự thả trôi: Chúng ta cứ thế mà sống thôi. Rồi tất cả sẽ qua. Những năm tháng ấy. Sẽ trôi qua dưới một mái nhà. Hình như mái nhà ở đây mới chỉ là một mái nhà để thu mình vào, run rẩy, chờ đợi những bất trắc mới.
Còn một mái nhà rộng hơn, đủ chứa cả cuộc đời này, kẻ mơ mộng nhất cũng không dám mơ tới!
N.D.L.
-------------------------
(*) Đọc Sự trở lại của vết xước - tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy - NXB Văn Nghệ, 2007.
Bình luận (0)