Nhớ tới đêm đầy ánh sáng...

22/12/2009 23:15 GMT+7

Ca khúc Giáo đường im bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ra đời cách đây hơn 70 năm - được coi như một bản “tình ca hòa trong thánh ca” và là một nhạc phẩm tiền chiến kinh điển - vẫn vang lên trong mỗi mùa Giáng sinh...

Không tưng bừng rộn rã như những ca khúc Giáng sinh khác, Giáo đường im bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ phảng phất chút hoài niệm xa vắng, chút đượm buồn vương vất: “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang. Giây phút như ngừng thôi rơi. Tiếng kinh muôn lời. Dáng xinh xinh bao tiên kiều, quỳ ngân thánh kinh ban chiều. Trong giáo đường đêm Noel ấy, ngàn đời tôi mến yêu... Tiếng Amen đều âm u. Hòa theo gió đêm thu, làm xao xuyến tâm hồn quá. Thời khắc mơ...”. Sở dĩ ca khúc này có cái “hơi nhạc” buồn buồn như vậy là bởi nó được viết cho một chuyện tình.

Câu chuyện ấy bắt đầu vào một đêm tháng 5.1938 tại thành phố Nam Định. Lúc ấy chàng trai Hà Nội tên Nguyễn Thiện Tơ mới 17 tuổi, được phong trào Hướng đạo sinh mời về thành Nam biểu diễn trong một đêm văn nghệ từ thiện quyên tiền giúp người nghèo. Nguyễn Thiện Tơ học đàn guitar Hawaii lúc 12 tuổi với thầy giáo Trần Đình Khuê, chỉ 3 tháng sau ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh. Ông còn học đàn guitar với một người Pháp. Lúc này ông đang là thành viên của nhóm nhạc Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh...

Đêm văn nghệ từ thiện ấy như là một định mệnh gắn liền với cuộc đời ông khi có một người con gái thỏ thẻ nhờ ông lên hộ dây đàn. Tim chàng trai như ngừng đập trước vẻ đẹp thanh thoát và ánh mắt “như có sóng” của cô gái. Đêm đó, nàng ôm đàn banjo hát nhạc Pháp, còn chàng thì độc tấu Hạ uy cầm và Tây ban cầm... Dọ hỏi, chàng biết nàng tên là Vũ Hà Tiên, hoa khôi của một xứ đạo thành Nam. Từ đó thỉnh thoảng họ có gặp nhau, hoặc viết thư thăm hỏi. Nguyễn Thiện Tơ yêu thầm mà không dám nói bởi sự khác biệt tôn giáo và cả xa cách về địa lý (Hà Nội - Nam Định). Tuy vậy, mỗi lần có dịp về Nam Định thì chàng nhạc sĩ trẻ lại đưa nàng đi lễ chiều và mình thì đứng bên cửa sổ nhà thờ nghe thánh ca. Chính những điều tưởng như vụn vặt ấy đã đem tình yêu đến với hai tâm hồn thơ trẻ.

Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cha mẹ nàng cương quyết không gả con cho một người ngoại đạo. Trong những ngày tháng tuyệt vọng, Nguyễn Thiện Tơ đã trút tâm sự với người bạn thân là nhà thơ Phi Tâm Yến. Nhà thơ này đã viết bài thơ Giáo đường im bóng để chính chàng nhạc sĩ 17 tuổi dùng những nốt nhạc trang trải nỗi lòng qua bản nhạc đầu tay. Ở Giáo đường im bóng có một không gian u uẩn và “đôi mắt huyền” của Vũ Hà Tiên luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi: “...Thánh giá xa vời lắm với tiếng chuông chiều ngân. Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm. Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng. Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ... Tới chốn xưa nàng vắng bóng. Tôi mơ mắt huyền nhung trông...”.

Cô tiểu thư xứ đạo thành Nam - Vũ Hà Tiên nhận được bản nhạc và cảm được cái tình sâu nặng của chàng, bỗng trở nên cương quyết: “Mẹ bảo lấy anh thì không cho vàng bạc, nữ trang. Em trả lời rằng con có thể sống mà không có vàng bạc nhưng không thể sống thiếu anh ấy!”. Và rồi họ đã cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh khắc nghiệt để có một đám cưới vào năm 1944. Có một chi tiết khá thú vị, theo nhạc sĩ Phạm Duy thì hồi ấy nhạc sĩ Lê Thương cũng đã yêu thầm cô gái xứ đạo thành Nam này và đã sáng tác ca khúc Nàng Hà Tiên.

Hiện nay, ông bà Nguyễn Thiện Tơ vẫn sống ở căn nhà số 22 phố Mai Hắc Đế - Hà Nội (căn nhà được xây dựng từ năm 1930, và Giáo đường im bóng đã ra đời trong căn nhà này).Ông đã 86 tuổi, bà kém ông một tuổi nhưng vẫn xưng hô “anh, em” ngọt ngào. Bà vẫn thích tự tay nấu cơm cho ông dù có tới 8 người con và cháu chắt đầy nhà. Và mỗi dịp Noel, ông bà vẫn đưa nhau đi lễ... Chẳng biết đôi “tài tử, giai nhân” ngày ấy, Noel này có còn “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang... Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng. Trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.