Ba lần xuất ngoại
Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành tiếng Hoa với ngoại ngữ phụ là tiếng Anh, năm 21 tuổi, chàng trai xứ Nghệ Lê Huy Khoa vào TP.HCM tìm đường mưu sinh. Thời đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư nhiều, nhưng phiên dịch viên tiếng Hàn thì lại khan hiếm. Vì vậy, thời gian rảnh Khoa cặm cụi đi học tiếng Hàn và cũng từ đó, cuộc đời của anh bước sang trang mới. Rồi Khoa tìm được một suất đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tháng 4/1996, anh đến nước này và được phân làm bốc vác kho.
Một sinh viên nặng chỉ 52 kg mà mỗi ngày phải vác 500 thùng hàng đóng vào container thì quả là quá sức. Quần quật từ sáng đến 18 giờ, tối về Khoa không tài nào chợp mắt được vì người đau nhức, ê ẩm. Ý chí vươn lên thôi thúc Khoa phải hoàn thiện tiếng Hàn. Từ 20 USD mẹ cho trước khi lên đường, Khoa mượn thêm của chị bếp 20 USD nữa mua 2 quyển tự điển Hàn - Anh, Anh - Hàn tự học. Do 80% tiếng Hàn có xuất phát từ gốc Hán, sẵn vốn kiến thức từ trước nên chuyện tự học cũng không khó với Khoa. Một thời gian ngắn, Khoa đã có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn, đó cũng là lúc Khoa được chuyển sang bộ phận khác với công việc nhẹ nhàng hơn.
Sau 1 năm rưỡi, Khoa về nước để rồi vài tháng sau lại lên đường sang Hàn với vai trò quản lý đội ngũ tu nghiệp sinh cho một công ty xuất khẩu lao động. Niềm đam mê thôi thúc, Khoa thi đậu vào Trường ĐH Yonsei để được học tiếng Hàn một cách bài bản. Ấn phẩm Tiếng Hàn giao tiếp bằng hai thứ tiếng Hàn - Việt đầu tiên của Khoa ra đời trên đất Hàn. Tập sách in trên giấy A4 bình thường ấy lại trở thành tài sản vô giá trong hành trang của những tu nghiệp sinh đến xứ Hàn bởi nó được viết bằng những trải nghiệm thực tế. Ba năm sau, Khoa về nước để chuẩn bị cho một chuyến đi nữa cũng kéo dài 3 năm, nhưng lần này là với vai trò nhân viên bộ phận lao động của Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.
|
Tác giả tự điển, người dịch phim Hàn...
Đúc kết nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc, Khoa nhận ra mối xung đột giữa giới chủ Hàn Quốc và lao động Việt Nam chủ yếu là do vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, Khoa liên tiếp cho ra đời khoảng vài chục ấn phẩm sách học tiếng Hàn từ sách ngữ pháp, sách học giao tiếp, mẫu câu cơ bản... để phổ biến ngoại ngữ này cho những người lao động.
Sau 6 năm tích góp, năm 2002 Khoa cho ra đời quyển từ điển Hàn - Việt với khoảng 30 ngàn từ. Đó cũng là quyển từ điển Hàn - Việt đầu tiên xuất hiện thị trường. Sắp tới, 2 quyển từ điển nữa với khoảng 60 ngàn từ sẽ được xuất bản. Năm ngoái, Khoa lập Trường Hàn ngữ Kanata để đào tạo tiếng Hàn chuyên ngành ở TP.HCM và Khoa cũng vừa là giảng viên dạy tiếng Hàn của Trường ĐH Hồng Bàng. Vừa qua, Khoa bắt tay cùng nhóm bạn cho ra đời website: www.kanata-koreanschool.com để những người không có điều kiện có thể học tiếng Hàn miễn phí.
Đến nay, Khoa đã có 12 tác phẩm sách viết, dịch từ tiếng Hàn về nhiều chủ đề. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn biết đến Khoa như là một người chuyên dịch phim Hàn Quốc. Tối tối, Khoa lại căm cụi xem phim và dịch phim. Tuy tiền công chẳng là bao nhưng Khoa bảo "Đó là niềm đam mê khó bỏ". Hiện tại, Khoa đang ấp ủ một dự án mới chuyển tải quyển tự điển của mình thành phần mềm đưa lên mạng để nhiều người có thể tải về tra cứu sử dụng miễn phí.
Lê Nga
Bình luận (0)