Như vậy đây là vụ kiện thứ 2 của cả nước về bồi thường cho người bị oan theo Nghị quyết 388 được đưa ra xét xử và đây cũng là lần thứ 2 TAND tỉnh Tiền Giang lại ra tòa với tư cách là bị đơn. Nguyên nhân từ một vụ tranh chấp đất, ngày 8/10/1991, ông Nguyễn Công Ơi đã bị TAND tỉnh xử phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội "vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai". Chấp hành xong bản án này, ông Ơi phát đơn khiếu nại yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét lại vụ tranh chấp đất. Trong một lần đến trụ sở UBND tỉnh khiếu nại, do có một số hành vi bị cho là quá khích, ngày 12/9/1994, ông Ơi bị Công an TP Mỹ Tho khởi tố, bắt tạm giam về tội "gây rối trật tự công cộng" và năm 1996 TAND TP Mỹ Tho đã đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù bản án trước đó ông Ơi đã chấp hành xong, nhưng tòa vẫn xác định còn trong thời gian thử thách và thuộc trường hợp tái phạm, vì vậy đã xử phạt ông Ơi 9 tháng tù, tổng hợp thêm 24 tháng tù treo trước đó thành án giam, buộc ông Ơi phải chấp hành tổng cộng 33 tháng tù giam. Ông Ơi kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên tòa phúc thẩm vào năm 1997, TAND tỉnh đã tuyên y án sơ thẩm của TAND Mỹ Tho. Tuy nhiên, tại phiên xử giám đốc thẩm ngày 31/5/2001, Tòa hình sự TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy cả 2 bản án sơ và phúc thẩm, đồng thời tuyên ông Ơi không phạm tội. Khi đó ông Ơi đã tròn 80 tuổi. Sau khi được trắng án, ông Ơi đã nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất số tiền 65,7 triệu đồng. Nhưng qua các lần thương lượng đều không thành, vì TAND tỉnh chỉ chấp nhận bồi thường số tiền khoảng 10 triệu đồng. Được biết, năm 1986, ông Ơi cũng đã từng bị tỉnh đưa đi cải tạo oan 12 tháng.
Chiều 23/11, Viện KSND TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành việc bồi thường oan sai cho trường hợp đầu tiên là ông Hoàng Hữu Hương, ở Phố Vôi, Bắc Giang bị tạm giam 258 ngày và 696 ngày tại ngoại. Cách đây 8 năm, ông Hương đã bị bắt tạm giam vì liên quan đến một vụ tìm trẻ em mồ côi, tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng để môi giới cho người nước ngoài nhận làm con nuôi và bị truy tố về tội "giả mạo giấy tờ chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội". Tháng 11/1996, ông Hương được đưa ra xét xử và TAND TP Hà Nội tuyên vô tội. Sau đó, Viện KSND TP Hà Nội kháng nghị đề nghị Tòa phúc thẩm xử lại. Tháng 5/1997, qua xét xử TAND tối cao đã bác kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội và tuyên ông Hương không phạm tội. Mới đầu, ông đòi bồi thường 393 triệu đồng nhưng trong quá trình thương lượng đã thỏa thuận nhận mức bồi thường 29 triệu đồng.
Hoàng Phương - V.Chiến
Bình luận (0)