89% sinh viên cho rằng sử dụng tài liệu là phổ biến!

19/12/2006 22:06 GMT+7

Gian lận trong thi cử và tình trạng sao chép luận văn đã trở thành mối quan tâm chính của hội thảo giữa Bộ GD-ĐT với 130 trường ĐH-CĐ phía Nam tổ chức hôm qua 19.12 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao nêu ra kết quả một cuộc khảo sát của thanh tra Bộ với 1.827 sinh viên của 12 trường ĐH-CĐ cả nước. Theo đó, 89% khẳng định việc sử dụng tài liệu trong phòng thi là hiện tượng gian lận phổ biến nhất trong thi cử, quay cóp (85%), sao chép luận văn, đồ án (42%), xin điểm, mua điểm (36%), thi hộ, thi kèm (21%). Dựa theo đặc điểm môn học, 63% sinh viên cho rằng gian lận phổ biến xảy ra khi thi các môn cơ bản, tỷ lệ này có ít hơn khi thi các môn chuyên ngành. So với kết quả khảo sát cách đây 5 năm, lần này tỷ lệ gian lận ở các môn cơ bản có giảm, có thể do hầu hết các môn này đã có ngân hàng câu hỏi, một số môn được tổ chức thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan. Ông Giao cho rằng: "Gian lận trong thi cử có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều lực lượng khác nhau nên một mình ngành giáo dục không đủ sức mạnh, cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội".

Riêng về trách nhiệm của ngành, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hoàn thiện văn bản đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp cho cơ sở; từng bước tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội của các trường (nhân sự, quản lý đào tạo, hợp tác quốc tế, cấp phát văn bằng, chứng chỉ...), tiến đến trao quyền tự chủ về tuyển sinh và tài chính... Một số biện pháp khác cũng được đề cập đến như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa về số lượng và chất lượng, nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát nhân dân...

PGS-TS Nguyễn Văn Yến (ĐH Đà Nẵng) cho rằng các kỳ thi tốt nghiệp, bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp của nhiều trường ĐH chưa thực sự nghiêm túc. Các cơ sở đào tạo thường thực hiện thiếu nghiêm túc khiến "bằng tốt nghiệp vô tình trở thành "Chứng chỉ đã qua đào tạo", rất khó nâng cao chất lượng đào tạo". Ông nêu lên tình trạng thuê mượn người khác làm luận văn, luận án; không ít người học không tham gia làm luận văn, luận án mà tìm cách liên hệ với người phản biện để được nhận xét tốt; có hội đồng chấm luận văn, luận án nương tay, cho điểm quá cao so với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học viên... PGS-TS Trần Việt Dũng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đề nghị tăng cường các môn thi với hình thức trắc nghiệm và quy chế đào tạo cần quy định về thi ở ĐH như quy chế tuyển sinh ĐH.

Thạc sĩ Trần Thanh Phong (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đặt nặng vai trò của nhà trường và người thầy lên hàng đầu trong việc chống gian lận trong thi cử. Ông đề nghị các trường ĐH phải xem xét kỹ những điều kiện tối thiểu (trình độ, năng lực, phương pháp nghiên cứu...) để phân công giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp; kiên quyết gạt bỏ những khóa luận có hiện tượng sao chép của người khác, có biện pháp kỷ luật nghiêm túc với những người vi phạm. Một số đại biểu đề nghị "đặt lương tâm và trách nhiệm của người thầy lên hàng đầu" thay vì đề ra những biện pháp cụ thể như tổ chức rọc phách, phân công 2 cán bộ coi thi trong một phòng, có cả giám thị hành lang...

Kết luận hội nghị hôm qua của Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao nêu rõ: "Mong muốn của Bộ GD-ĐT là muốn trao toàn bộ quyền hành cho các thầy cô giáo, luôn đề cao vai trò vị trí của người thầy trong mọi lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc điều hành thi cử. Nhưng, đây là một việc làm lâu dài, việc nâng cao chất lượng và đạo đức cán bộ giảng dạy là một vấn đề được đặt lên hàng đầu trong đề án giáo dục đổi mới. Vì vậy, trong việc tổ chức thi cử, trước mắt phải tăng cường kỷ cương, phải có các biện pháp chặt chẽ".

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.