Phát biểu dài... 1 câu
Lừng lẫy trên các đấu trường trong và ngoài nước, nhưng các ứng viên thuộc nhóm võ thuật rất ít nói về bản thân, thậm chí có người còn đỏ mặt thẹn thùng khi được mời phát biểu. Trong số đó, "cô gái vàng" môn taekwondo VN Nguyễn Thị Huyền Diệu, người đã 4 lần đứng trên bục cao nhất ở hạng cân 47 kg tại 4 kỳ SEA Games có vẻ dạn dĩ hơn khi nói được... 2 câu. Huyền Diệu bộc bạch: "Khi thi đấu, mình luôn nghĩ đến màu cờ sắc áo và phát huy sở trường để đạt kết quả tốt nhất. Thanh niên ngày nay phải nâng cao kiến thức để hòa nhập với các bạn trên thế giới khi VN gia nhập WTO!". Hoàng Hà Giang (Huy chương vàng Giải Taekwondo trẻ toàn quốc 2002, 2006, Huy chương bạc tại giải LG mở rộng...) và Nguyễn Tiến Minh (trong top 50 cầu lông thế giới, vô địch giải cầu lông VN mở rộng 2006...) mỗi người nói đúng một câu, đại loại: "Mình sẽ cố gắng tập luyện để đạt nhiều thành tích hơn nữa!".
Lê Thanh Thúy - tấm gương vượt lên nghịch cảnh |
Mặc dù khi mới chào đời, đã chịu cảnh khuyết tật không có cả hai cánh tay, thân thể không nguyên vẹn, gia đình lại khó khăn nhưng Nguyễn Xuân Nghĩa (P.2, Q.8, TP.HCM) đã luôn nỗ lực học giỏi và hoạt động công tác xã hội. Nhiều năm qua, những đóng góp của Nghĩa cho những trẻ em bất hạnh và dành cho hoạt động Đoàn - Hội kể ra mấy trang giấy cũng không hết được, song Nghĩa chỉ nói giản dị: "Mình muốn sống sao để không lãng phí tuổi xuân. Mình muốn hướng các bạn thanh niên đang lãng phí thời gian đến với những việc làm có ích. Lẽ sống của mình là như thế thôi!". Trong khi đó, bạn Nguyễn Hữu n (quê Quảng Trị, sinh viên ngành Đông Nam Á học) phát biểu không có gì "ăn nhập" với chủ đề buổi tọa đàm. Thế nhưng, câu chuyện cảm động của bạn về việc tự nguyện nhận một người không có họ hàng, bị bệnh ung thư làm mẹ nuôi và phụng dưỡng như chính mẹ ruột của mình... lại nhận được rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng!
Từ 150 gương mặt trẻ xuất sắc được giới thiệu, Hội đồng bình chọn danh hiệu "Công dân trẻ TP.HCM" năm 2006 đã chọn ra 20 ứng viên sáng giá trong độ tuổi từ 10 - 30. Ngày 26.12, Hội đồng này sẽ xem xét, cân nhắc để chọn ra 1-5 gương mặt xứng đáng với danh hiệu "Công dân trẻ TP.HCM năm 2006". |
Một nhân vật bị "sót" tên khi giới thiệu là Nguyễn Thành Trung (gương mặt tiêu biểu 8X năng động, chủ doanh nghiệp phần mềm MDV khá nổi tiếng) đã khuấy động buổi tọa đàm bằng những phát biểu thẳng thắn và... dài hơi hơn: "Tôi nhiều lần băn khoăn về lẽ sống của mình. Bản thân tôi làm kinh doanh, nếu cứ theo chủ nghĩa cống hiến là cứ đem sản phẩm của mình đi tặng, đi cho thì tôi... không dám. Còn theo chủ nghĩa cá nhân thì không thể tồn tại vì chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tôi nghĩ, dù chọn lẽ sống nào đi nữa thì cũng phải dung hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của mọi người".
Hồ Quốc Thống - từ trẻ đường phố thành chủ tiệm ảnh cưới |
Đồng tình với ý kiến trên, Lê Trung Hải - Trưởng nhóm CLB Những ước mơ xanh nói: "Chọn lựa lẽ sống là chọn sự phù hợp khả năng, chuyên môn, hài hòa giữa lợi ích riêng - chung". Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (đoạt nhiều giải thưởng tin học, đã có chứng chỉ Lập trình viên quốc tế) bày tỏ: "Mình không nghĩ đến những gì cao siêu mà chỉ là những việc bình thừơng. Tuy nhiên, hãy làm những chuyện bình thường ấy bằng những nỗ lực phi thường!". Lê Thanh Thúy, cô học sinh Trường trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) đang ngày ngày chống chọi với căn bệnh ung thư xương quái ác nêu cảm nghĩ: "So với các anh chị ở đây, em không có một thành tích nào nổi bật. Theo em, sống trong đời cần phải có một tinh thần lạc quan, hy vọng để khi điều gì xảy đến, mình có thể trụ vững được!". Còn Phan Kiều Thanh Hương (Bí thư Đoàn P.11, Q.8) đúc kết lẽ sống của mình qua 8 chữ: "Suy nghĩ, tin tưởng, ước mơ, dám làm".
N.L
Bình luận (0)