"Thanh niên có đơn độc không?"
Điều mà các đại biểu băn khoăn khi thảo luận về nhiệm vụ "xung kích tham gia cải cách hành chính" là liệu thanh niên có đơn độc không khi tham gia cải cách hành chính? Đại biểu Đặng Xuân Phương (Bí thư Đoàn cơ quan Bộ Nội vụ) phân tích: "Nói là thanh niên phải xung kích tham gia cải cách hành chính thì đúng rồi nhưng làm thế nào để thanh niên không đơn độc? Bởi vì cải cách hành chính không đơn giản là cải cách chính sách mà cái chính là thái độ của người lãnh đạo có lắng nghe và ủng hộ thanh niên hay không?". Đại biểu Nguyễn Cao Lễ, Bí thư Đoàn khối Dân Chính Đảng TP Hồ Chí Minh sau khi dẫn chứng về thành công của phong trào 3 trách nhiệm (với nhân dân, với cơ quan và với bản thân) của công chức thanh niên địa phương mình đã chỉ ra rằng: "Cần phải có sự phối hợp giữa Đoàn với các ban ngành bởi vì sáng kiến phải được ứng dụng mới tạo ra kết quả".
Cơ hội để bạn trẻ sáng tạo
Không khí hội trường "nóng" lên khi người cùng tham gia diễn đàn là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Văn Lạng đề xuất: "Chúng tôi đang có đề án xây dựng trường đại học công nghệ đẳng cấp quốc tế tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc (Hà Nội). Dự kiến sau khi hoạt động sẽ đón khoảng 40.000 sinh viên. Tại đó sẽ có một khu công nghệ với diện tích 83 ha và đó là cơ hội cho các bạn". Ông Lạng hứa sẽ giúp đỡ những bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu và còn cho số điện thoại trực tiếp của ông để tiện liên hệ.
Hỗ trợ việc làm cho thanh niên
Việc làm và nghề nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên, do vậy các vấn đề giải pháp, chương trình hỗ trợ đoàn viên thanh niên... được các đại biểu tại trung tâm thảo luận "Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm" thảo luận rất sôi nổi. Tham dự tại trung tâm thảo luận với tư cách là khách mời, ông Cao Tiến Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng hào hứng phát biểu. Ông Sâm cho rằng: “Ở Việt Nam vẫn tồn tại thực trạng rất phổ biến, bố mẹ tự hướng nghiệp cho con cái. Ai cũng muốn con mình học đại học, có bằng cấp nọ kia nhưng hoàn toàn không để ý đến khả năng con cái của mình đến đâu, cóá phù hợp với nghề nghiệp đó hay không". Theo ông Sâm, Đoàn cần phải thay đổi nhận thức về học nghề và việc làm của thanh niên. Học nghề ngày nay không có nghĩa chỉ để làm thợ "tay kìm, tay búa" mà là học lập trình, điều khiển máy móc kỹ thuật số.
Đoàn là cầu nối giúp thanh niên tìm việc
Việc làm và nghề nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên, do vậy các vấn đề giải pháp, chương trình hỗ trợ đoàn viên thanh niên... được các đại biểu "Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm" thảo luận rất sôi nổi.
Đại biểu Trương Quang Hải (Bắc Giang) thẳng thắn nhận xét: "Vai trò của Đoàn thanh niên trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Con số Đoàn đưa ra tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo chiếm gần 40%, nhưng thực tế con số này ít hơn rất nhiều. Chẳng hạn như ở Bắc Giang chỉ có khoảng 27%".
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị (T.Ư Đoàn) cũng thừa nhận: Qua khảo sát, chỉ có 15% bạn trẻ tìm đến tổ chức Đoàn - Hội tư vấn nghề nghiệp, trong khi có đến 60% nhờ bạn bè và gần 30% nhờ các trung tâm tư vấn.
Tham dự tại trung tâm thảo luận với tư cách là khách mời, ông Cao Tiến Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hào hứng phát biểu. Ông Sâm cho rằng: "Ở Việt Nam vẫn tồn tại thực trạng rất phổ biến, bố mẹ tự hướng nghiệp cho con cái. Ai cũng muốn con mình học đại học, có bằng cấp nọ kia nhưng hoàn toàn không để ý đến khả năng của con cái của mình đến đâu, có phù hợp với nghề nghiệp đó hay không". Theo ông Sâm, Đoàn cần phải thay đổi nhận thức về việc làm của thanh niên. Bây giờ, học nghề không có nghĩa là phải làm công việc "chân lấm, tay bùn" hay " tay kìm, tay búa" mà là học lập trình, điều kiển máy móc kỹ thuật số... Cụ thể là Đoàn phải tư vấn, cung cấp cho thanh niên những thông tin trung thực, khách quan. Nếu không học, ra làm trái nghề sẽ gây lãng phí cho bản thân mà còn cho xã hội.
Theo anh Trương Quang Hải: "Nhiều thanh niên tự ti, quen sống lệ thuộc vào gia đình. Muốn làm giàu nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy Đoàn phải đánh thức, khơi gợi cho thanh niên "máu" làm giàu. Ngoài ra, nên xây dựng các trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo".
Để cán bộ Đoàn không bị tụt hậu so với thanh niên, đại biểu Nguyễn Thị Tơ (Nam Định) nói: "Ở những vùng nông thôn, không có điều kiện mời các chuyên gia tư vấn, chúng tôi mong muốn Đoàn có thể phối hợp với Bộ Giáo dục mở các lớp tập huấn để cán bộ Đoàn có những kiến thức tư vấn một cách khoa học nhất giúp các em học sinh định hướng nghề trong tương lai".
Đến từ địa phương có nhiều mô hình đào tạo, hướng nghiệp cho thanh niên, đại biểu Nguyễn Thị Diệu Linh (TP Hồ Chí Minh) đưa ra các giải pháp: "Đoàn đứng ra làm cầu nối trung gian liên kết doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu giúp các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trở thành hiện thực. Tổ chức Đoàn cũng có thể lập sàn giao dịch ý tưởng hoặc thiết lập chợ trực tuyến, ở đó rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và người lao động tìm đến nhau".
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp cũng vui mừng thông báo, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên của Đoàn đã được Chính phủ phê duyệt. Sắp tới sẽ có rất nhiều việc phải làm, trong đó Đoàn dự định xây đựng một chương trình truyền hình "Thế giới nghề nghiệp", biên soạn cẩm nang tuyển sinh học nghề, xuất bản bản tin học nghề đăng tải các thông tin bổ ích... Hàng năm có các chương trình điều tra, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp, dự báo thị trường lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên hiệu quả.
Tuyết Nhung - Mạnh Dương - Thu Hằng
Bình luận (0)