Bóng đá Sài Gòn - TP.HCM một thời oanh liệt

Quang Tuyến
Quang Tuyến
30/04/2021 08:33 GMT+7

Bóng đá TP.HCM từ sau ngày đất nước thống nhất luôn có vai trò đặc biệt trong đời sống bóng đá cả nước, là nơi đã làm nên những trận cầu đỉnh cao và nhiều thế hệ cầu thủ lẫy lừng.

Phục sinh và khát vọng

Nhắc lại thời kỳ đầu của bóng đá TP.HCM từ năm 1975 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cựu danh thủ HLV đội Hải quan Hồ Thanh Cang nhớ lại: “Bóng đá Sài Gòn sau ngày thống nhất là nét đẹp của sự cống hiến, thi đấu vô tư, sảng khoái khi được hít thở bầu không khí phấn chấn của đất nước liền một dải.

Nhìn chung phong cách chơi của bóng đá Sài Gòn là ban bật nhỏ, đá mềm mại, khéo léo tận dụng kỹ thuật, phát huy tối đa chất nghệ sĩ trên sân nên luôn tạo sự lôi cuốn, đẹp mắt với nhiều pha bóng hay, trận đấu hấp dẫn đi vào lòng người

Cựu danh thủ Hà Vương Ngầu Nại

 

Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang (phải) và anh ruột cố thủ môn huyền thoại Hồ Thanh Chinh đã đóng góp nhiều cho bóng đá Sài Gòn

Nhựt Quang

Lứa cầu thủ chúng tôi như Tam Lang, Hồ Thanh Chinh, Tư Lê, Dương Văn Thà, Lê Đình Thăng, Cù Sinh, Bùi Thái Huệ, Dư Tân, Đỗ Cẩu… lớn lên từ trước 1975 nhưng thực sự chỉ thỏa đam mê và nhiều người đã rơi nước mắt vì được tiếp tục chơi bóng trong không khí hòa bình và đầy khát vọng của một nền bóng đá đoàn kết, phục sinh. Những giải đấu như giải Cửu Long, giải bóng đá thanh niên 3 thành phố Hà Nội - Hải Phòng - TP.HCM, các trận giao hữu giữa các đội Sài Gòn với Tổng cục Đường sắt, Thể Công, Công an Hà Nội hay Công an Hải Phòng, các trận đấu quốc tế như với Thiên Tân (Trung Quốc) thắng 4-1 rồi đến các giải vô địch A1 TP.HCM đều tạo ra sức thu hút và lôi cuốn người xem. Cầu thủ khi đó bước ra sân luôn được đón nhận trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt nên rất hưng phấn. Khán giả đầy ắp khán đài, có những ngày sân Thống Nhất đá 3 trận mà trận thứ nhất từ 12 giờ 45 trưa vẫn có rất đông người đi xem như trẩy hội”.

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm nâng cao cúp vô địch Cúp quốc gia năm 1992

ảnh: tư liệu

Lôi cuốn và đẹp mắt

Sau thế hệ ban đầu, những cái tên tiếp nối như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hồng Phẩm, Trương Văn Dưỡng, Lư Đình Tuấn, Đỗ Khải, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Phùng Thanh Phương, Nguyễn Minh Phương… đã cùng nhau duy trì hình ảnh và bộ mặt bóng đá TP.HCM. Họ đã tham gia thi đấu các giải quốc tế như SKDA, các trận với các CLB Liên Xô, CHDC Đức (cũ), đóng góp nhiều chiến công cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games, vòng loại châu Á hay World Cup.
Bóng đá TP.HCM chiếm một vị trí quan trọng trong làng bóng cả nước từ sau năm 1975 đến đầu thập niên 2000. Thống kê cho thấy các CLB bóng đá tại TP.HCM từng 6 lần đoạt chức vô địch quốc gia, với Cảng Sài Gòn vô địch 4 lần các năm 1986, mùa bóng 1993 - 1994, 1997 và mùa bóng 2001 - 2002. Đội Công an TP.HCM vô địch năm 1995 và Hải quan vô địch năm 1991. Với Cúp quốc gia, các đội TP.HCM giành cúp 8 lần bao gồm: Cảng Sài Gòn 2 lần năm 1992, 2000; Hải quan năm 1997, 1997; Công an TP.HCM năm 1998, 2001; Navibank Sài Gòn năm 2011; Sài Gòn Xuân Thành năm 2012.
Cựu danh thủ Hà Vương Ngầu Nại (Cảng Sài Gòn), người từng đoạt danh hiệu vua phá lưới giải VĐQG năm 1986, nói: “Phong cách bóng đá Sài Gòn là nét đẹp hình thành từ cách chơi của 4 đội hàng đầu tiêu biểu của TP.HCM khi đó là Cảng Sài Gòn, Hải quan, Sở Công nghiệp, và Công nghiệp thực phẩm. Cảng Sài Gòn là phối hợp bóng ngắn, nhuyễn, bật tường nhanh, tạo nên sự quyến rũ. Hải quan là vỗ bóng nhanh ra biên tận dụng tốc độ của Minh "nhí" chuyền cho Thành, Liêm ghi bàn, hoặc những pha chọc khe của Trương Văn Dưỡng và Hồ Thanh Dũng. Còn Sở Công nghiệp đá sức, chơi chặt chẽ, khai thác khoảng trống nhanh, chịu tranh chấp... Nhìn chung phong cách chơi của bóng đá Sài Gòn là ban bật nhỏ, đá mềm mại, khéo léo tận dụng kỹ thuật, phát huy tối đa chất nghệ sĩ trên sân nên luôn tạo sự lôi cuốn, đẹp mắt với nhiều pha bóng hay, trận đấu hấp dẫn đi vào lòng người. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là tư cách và đạo đức của cầu thủ trên sân. Chúng tôi được truyền dạy cách không đá láo, đá xấu đối phương”.

Hà Vương Ngầu Nại (bìa phải) cùng Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, những học trò giòi của HLV Tam Lang

Tư liệu

Mất dần giá trị truyền thống

Bóng đá TP.HCM đã bước vào thời kỳ huy hoàng nhất của mình kể từ khi giải vô địch quốc gia ra đời năm 1980. Thời điểm này, riêng bóng đá TP.HCM đã có đến 5 đội bóng mạnh là Hải quan, Cảng Sài Gòn, Công nghiệp thực phẩm, Sở Công nghiệp, và Công an TP.HCM. Đặc biệt khi các đội TP.HCM dù thi đấu ở đâu cũng thu hút lượng người xem rất lớn đi ủng hộ. Dù vậy, cả trong thời kỳ đỉnh cao này, bóng đá miền Nam cũng chỉ một lần “gặt hái” được vinh quang vào năm 1986, khi đội Cảng Sài Gòn do HLV Phạm Huỳnh Tam Lang dẫn dắt giành chức vô địch quốc gia.
Nói về việc vì sao bóng đá TP.HCM thời kỳ đó mạnh nhưng thành tích lại chưa tương xứng, cựu danh thủ Đặng Trần Chỉnh cho biết: “Bóng đá TP.HCM nói riêng hay phía nam nói chung là thuần về kỹ thuật, chơi bóng như hơi thở tự nhiên, ít toan tính và thiên về đá đẹp. Còn các đội phía bắc lối đá quái hơn, cầu thủ đá áp sát và thiên về sức mạnh nên lúc đó gặp nhau thường là chúng tôi thua, may lắm là hòa. Vì thế thành tích ở các giải vô địch chỉ có năm 1986 khi đó Cảng Sài Gòn đồng đều và nhờ từng trận giải quyết tốt nên cuối cùng mới thắng được”. Sau này các đội phía bắc hơi thoái trào từ đầu thập niên 1990 đến những năm 1996 - 1997 thì bóng đá TP.HCM lại thừa hưởng sự kế thừa tốt, dẫn đến việc Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Hải quan liên tiếp giành thành tích ở các giải VĐQG và Cúp quốc gia với những cái tên nổi bật như Hồ Văn Lợi, Lê Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Trần Minh Chiến, Nguyễn Anh Trung, Huỳnh Hồng Sơn…
Khi bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển mình bước sang chuyên nghiệp thì cũng là lúc bóng đá TP.HCM tụt lại phía sau. Liên tiếp trong 4 mùa bóng (từ 2003 - 2006), cả ba thứ hạng đầu đều không có bóng dáng một đội bóng Sài Gòn nào. Ngay cả số lượng có tên trong giải bóng đá đỉnh cao quốc gia cũng ít dần, từ 5 đội ở giải vô địch lần 1 năm 1980 chỉ còn lại đúng hai đại diện là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn và Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina, nhưng cũng trồi sụt. Mùa giải 2001 - 2002 là lần gần nhất mà một đội bóng của TP.HCM (Cảng Sài Gòn) bước lên bục cao nhất, nhưng khi đó chiến thắng này như “món quà từ trên trời rơi xuống”, vì nhờ vào những toan tính, nhường điểm, chia điểm giữa những đối thủ còn lại.

Nỗi buồn của TMN-CSG với Trần Quan Huy, Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.