Số tiền của khoản chi trên chỉ có vài triệu USD, rất nhỏ so với tổng số tiền vài tỉ USD ngân sách hằng năm của LHQ và Mỹ bỏ phiếu chống bất chấp cả việc TTK LHQ Ban Ki Moon khẩn khoản kêu gọi tất cả các thành viên LHQ hãy duy trì và bảo vệ sự đồng thuận trong tổ chức này. Trên nguyên tắc, ngay cả lá phiếu chống này của Mỹ cũng không ảnh hưởng đến tính hiệu lực pháp lý của việc thông qua ngân sách cho LHQ năm tới.
Nhưng lá phiếu chống của Mỹ lại tiềm ẩn trắc trở trong các vấn đề khác ở LHQ. Có hai lý do khiến Mỹ bỏ phiếu chống. Thứ nhất là Mỹ vốn đã chẳng hài lòng với hội nghị đầu tiên của LHQ về chống phân biệt chủng tộc tổ chức năm 2001 ở Dubai. Năm đó, Mỹ và Israel chẳng đã bỏ ra khỏi phòng họp hội nghị về sớm vì bất bình đó hay sao. Đã như vậy thì làm sao bây giờ Mỹ lại có thể ủng hộ việc tổ chức một hội nghị tiếp theo hội nghị đó. Thứ hai, việc tổ chức hội nghị thứ hai này là sáng kiến của Nhóm 77 và Trung Quốc. Họ cần và muốn nhưng Mỹ đâu có vội và có lợi ích gì nhiều.
Lá phiếu chống này là một cách để Mỹ giữ dư địa cho phạm vi hoạt động trên những lĩnh vực và trong những vấn đề khác tại LHQ, chẳng hạn như để mặc cả với chính những tác giả của hội nghị thứ hai nói trên, hay để gây áp lực với LHQ khi cần thiết bằng cách viện dẫn lá phiếu chống này mà trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho ngân sách của LHQ như Mỹ đã từng làm trong quá khứ. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân quỹ của LHQ nên một chính sách như vậy của Mỹ ảnh hưởng đến hoạt động của LHQ chứ đâu chỉ tới riêng hội nghị nói trên.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)