Mơ khách đường xa...
Hành trình đến với lễ hội hoa Đà Lạt khá vất vả. Cả nhóm chúng tôi cùng nhau lỉnh kỉnh leo dốc, hễ bắt gặp những khu vườn trồng cây trái, hoa tươi thì mặt mày hớn hở thưởng thức. Gây ấn tượng đặc biệt hơn cả là hình ảnh những cô gái cặm cụi cắt tỉa, chăm sóc vườn hoa của mình. Dốc Nguyễn Tử Lực mưa phùn làm nhòa mắt người đi dường như lại vươn vấn lòng du khách. Ghé vào một vườn hoa, tiếp xúc, trò chuyện với người trồng tỉa mới biết công việc hằng ngày của chị em thật không phải dễ. Hầu hết họ đều rụt rè, e thẹn khi gặp người lạ; thậm chí có nhiều khu vườn... trống trơn, do các thiếu nữ "gia chủ" đã rủ nhau tung tăng tham dự hội hoa. Ngọc Giang, thợ vườn hoa Cát Tường che miệng cười duyên, rủ rỉ: "Ở đây ai cũng vậy, đều rất hiền lành, dễ thương. Mọi người có đi chơi cả buổi cũng không mất hoa đâu mà. Mình biết có nhiều khách mấy ngày này muốn vào thăm vườn mà ngại, vì có thấy ai đâu! Ít ai "xông" thẳng vào chụp ảnh thế này lắm". Giang nói xong nhìn trộm bọn tôi, cười tinh nghịch rồi lao vào xới luống đất dở dang bên cạnh.
Mỗi một vườn hoa nhiều lắm cũng chỉ có 3 thợ. Vắng người nên họ cũng cố tạo ra những trò hài hước, những câu đùa ghẹo nhau để phấn chấn tâm hồn, tăng hiệu quả trong công việc. Thanh Trúc, thợ làm vườn hoa Cát Tường tâm sự: "Mỗi lần có khách ghé thăm là bọn em thấy rất vui. Ngày nào bọn em cũng quanh quẩn mấy công việc như: ủ giống, tỉa hoa, dọn dẹp cỏ, tưới cây và thu hoạch khi thời điểm chín muồi...".
Mấy cô nàng đều lúp xúp đội nón lá, mặt che kín, thỉnh thoảng hở ra làn da đỏ ửng lên thẹn thùng. Trúc, Giang phân bua ngay: "Đội nón để che nắng và bụi bẩn bám vào mặt ấy mà...". Nói xong hai cô nàng rúc rích cười, dường như lại mơ đến những câu thơ tình tứ vang trong lòng đất, luống hoa. Trong tiếng gió rít ở đồi thông phía xa xa, thi thoảng cất lên một giọng thơ lúc vang vang, khi thì thầm cùng làn mưa nhẹ. Trong phút chốc, khách cảm thấy như đang hòa mình vào với thiên nhiên, thêm yêu mến các cô gái làng hoa...
Sống với cỏ hoa |
Hành trình gieo hoa
Khác với những loại hoa thông thường khác, hoa cát tường khó trồng hơn, và giống hoa cũng phải nhập từ Nhật Bản. Đem ủ giống trong mảnh đất tốt, tơi xốp và giàu đạm để bảo đảm hoa có thể nảy mầm, phát triển. Được biết, luống hoa cát tường chỉ dùng được trong 1 năm, sau đó người thợ phải cuốc lên bỏ hết tất cả để trồng một luống mới. Cứ mỗi lần thu hoạch cát tường là từ 4 đến 5 tháng. Những gốc, thân cây vừa cắt xong còn li ti khoảng đốt ngón tay lại được truyền hơi ấm và nước để tiếp tục sinh sôi, nảy nở cho đợt kế tiếp. Ngọc Giang cho hay: "Vì trồng ở trên đồi nên gió rất to, trong khi đó hoa cát tường rất mỏng manh, nếu hứng gió to và mưa lớn vào nửa đêm, sáng sớm thì sẽ dập hết hoa. Do đó vườn nào cũng căng loại ni-lông dày lên như cái lều để bảo vệ hoa. Trồng cát tường cũng hơi vất vả. Mùa đông thì tưới ít nước, sợ cây lạnh sẽ chết; mùa hè thì cần nhiều nước để làm mát cho cây...". Và theo lời Giang thì hoa cũng có hồn, mọi phản ứng, bệnh tật đều thể hiện rất rõ qua từng mùa, thời điểm và rõ nhất là qua tình trạng khoe hương, nở sắc của chúng.
Một luống hơn 1 nghìn cây, cả vườn gần 20 luống. Do đó hết công việc này, các cô lại tranh thủ việc khác. Trúc cười nói: "Nhìn thì khó nhưng làm riết thành quen. Bởi ngoài việc chẩn đoán chữa bệnh cho cây khi có triệu chứng xấu thì mình chỉ có việc tưới, chăm bón phân. Vả lại mình có hệ thống phun mưa phùn tưới cây ở đây, chỉ cần mở van là cả vườn hoa được tắm mát, chứ không cần thủ công cầm bình nước tưới từng cây một". Và nhanh như sóc, Giang ngắt liền mấy đóa hoa cát tường đang nở rộ. Cô cười toe trước sự ngạc nhiên của mọi người: "Bởi 5 tháng mới có thể thu hoạch, cho nên mình phải cắt đi những hoa nở quá sớm thì cây mới có thể tiếp tục đơm nụ cho đợt sau. Vả lại nếu đem hoa xuống Sài Gòn mà nở toe hết thì sẽ không ai mua cho đâu...". Được biết những đóa hoa nở sớm, không đợi "bạn" thì sẽ được chuyển đến làm hoa kết trang trí cho cô dâu. Một điều rất thú vị là ở đây hễ có đám cưới là ai cũng chạy xuống vườn hoa hoặc ra chợ mua hoa tươi về kết cho cô dâu, chứ không dùng hoa giả.
Khách ghé vào vườn, hòa mình cùng thiên nhiên, hít thở không khí trong lành của đất trời phố núi. Và khi ra về, chợt lưu luyến tiếng nói cười, giọng thơ ngọt ngào trong trẻo của thiếu nữ trồng hoa. Hỏi họ có buồn vì suốt ngày chỉ quanh quẩn chăm hoa, xới đất? Một chút rụt rè, các cô thừa nhận: "Cũng buồn..." nhưng rồi nhanh chóng rạng rỡ ngay: "Phải có tình yêu mới dốc sức, mê mải với công việc mà mọi người cho là "quanh đi quẩn lại". Bọn mình tự hào vì đã góp phần làm đẹp cho thiên nhiên, cho cuộc sống...". Và mong sao trong những lần làm du khách xứ Đà Lạt sương mù, có nhiều người sẽ ghé và nán lại thăm hoa...
Châu Anh
Bình luận (0)