Áp sát, giật đồ, phóng xe tẩu thoát!
Trung “rô” sẽ còn gây khiếp đảm cho nhiều người Hà thành nếu hắn không bị cán bộ PC14 Công an Hà Nội còng tay cách đây hơn một tuần. Cầm đầu băng cướp giật điện thoại, dây chuyền, túi xách gồm 7 đối tượng, chỉ bốn tháng qua Trung “rô” cùng đàn em gây ra hơn 40 vụ cướp giật ở khắp các tuyến phố thủ đô.
Hôm ấy, hai đàn em của hắn là Phúc “bờm” và Thành “trung” lượn lờ trên đường Lê Văn Hưu. Phát hiện cô gái xách ví vừa trên ô tô xuống, hai gã lập tức áp sát. Thành “trung” ngồi sau thò tay ngoắc chiếc ví, rồi co chân đạp một cú làm cô gái suýt ngã. Phúc “bờm” rồ ga, hai gã mất dạng cùng chiếc ví trong có 10 triệu đồng, 1 nhẫn vàng, 1 chùm chìa khóa xe. Trong tiếng ú ớ của cô gái, nhiều người còn chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
Sau nhiều tháng mật phục, nhử bẫy, với sự phối hợp của lực lượng chống cướp giật nhiều quận, huyện, các trinh sát PC14 Công an Hà Nội mới tóm gọn toàn bộ băng Trung “rô”. Đây là một trong những băng cướp giật nổi cộm nhất ở thủ đô.
Có nhiều băng không đông như vậy, chẳng hạn hai gã Nguyễn Tuấn Anh (sinh 1988) và Nguyễn Hoài Nam (SN 1983) khi bị bắt đã khai ra gần 20 vụ cướp nghiêm trọng khác chúng thực hiện trót lọt.
Đối tượng chúng “nhắm” thường là phụ nữ đeo dây chuyền, trang sức đắt tiền. Một ngày giữa năm 2008, hai gã đi xe Wave đỏ tháo biển, phát hiện chị S. đi xe @ trên phố Bạch Mai có đeo dây chuyền vàng khá to, chúng lập tức bám đuổi.
Khi chị S. đi chậm vì đèn đỏ, chúng rà tới giựt phăng sợi dây chuyền rồi vọt luôn. Vài chục phút sau, trên đường đi bán “chiến lợi phẩm”, chúng lại kịp cướp của chị M. ở Cửa Nam một sợi dây chuyền đắt tiền. Nhờ phát giác của cửa hàng trang sức nơi chúng gạ bán hai sợi dây chuyền, chúng đã sa lưới pháp luật.
|
Đủ thành phần hành nghề... cướp
Trong số hàng chục vụ cướp giật mỗi tháng trinh sát PC14 Hà Nội bắt giữ, hầu hết đối tượng là thanh niên thất nghiệp, đua đòi ăn chơi. Có đối tượng là sinh viên, như Phạm Thanh Tịnh (SN 1979, sinh viên Học viện Hành chính) chuyên cướp của người nước ngoài đi bộ trên phố. Ba đối tượng Phạm Đức Hiếu (SN 1987), Nguyễn Hồng Quang (SN 1985), Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1989) thì từng làm bảo vệ cho một Cty lớn.
Chúng bị trinh sát bám từ phố Phạm Hùng, qua Trần Duy Hưng, sang Nguyễn Chí Thanh, về Kim Mã mới bị bắt quả tang khi cướp điện thoại của một đôi trai gái đang chở nhau bằng xe máy.
Quần chúng cho biết có một cặp nam nữ rất trẻ chuyên đi cướp giật. Trung tá Ngô Minh An - Đội trưởng Đội 8 PC14 - cùng đồng đội sau thời gian theo dõi đã làm rõ được Trần Hoàng Hải (SN 1986, từng làm lái xe), cặp bồ với Phạm Tố Uyên (SN 1990), ngày thuê nhà nghỉ hú hí, đêm đến ôm nhau lướt xe trên phố tìm cơ hội ra tay.
Nhiều lần bị truy đuổi, Hải vẫn chở người yêu chạy thoát nhờ “tay lái lụa”. Một ngày cuối tháng 8, với sự giúp sức của cảnh sát cơ động, Trung tá An và đồng đội đã tóm gọn bọn chúng.
Có một nhóm 4 đối tượng quê Hưng Yên, lên thủ đô lập băng cướp phố. Sáng chúng rời Hưng Yên lên Hà Nội, tối lại về, bố mẹ và hàng xóm cứ ngỡ chúng vẫn đang đi làm Cty đàng hoàng ở Hà Nội. Gần 20 chiến sỹ PC14 mất ăn mất ngủ hàng tháng trời mới bắt được 4 gã “con ngoan trò giỏi” này.
Phòng vẫn hơn chống
Nạn cướp giật không chỉ gây thiệt hại tài sản các nạn nhân mà còn khiến số đông hoang mang sợ hãi, làm xấu đi hình ảnh thủ đô yên bình trong mắt du khách quốc tế.
Thủ trưởng một cơ quan văn hóa ở Hà Nội sau khi bị cướp chiếc điện thoại với gần 1.000 số máy lưu giữ trong đó than thở: “Vẫn không bỏ được thói quen đi bộ mỗi tối, nhưng bỗng thấy những con đường Hà Nội, nhất là con đường thân quen của mình bớt đáng yêu đi một chút”.
Lãnh đạo PC14 Công an Hà Nội cho biết, mỗi năm cơ quan này gửi đi ít nhất 2 công văn đến hầu hết các cơ quan, phường, xã, đơn vị, cảnh báo tình hình cướp giật, nhất là dịp giáp Tết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người rất hớ hênh trước bọn tội phạm.
Những cán bộ công an nhiều năm chống cướp giật đưa ra lời khuyên: Người dân thủ đô cần nâng cao cảnh giác, không tự biến thành “con mồi”. Dây chuyền vàng đắt tiền không “khoe” ra ngoài cổ áo khi đi xe máy.
Túi xách nên cho vào cốp xe, hoặc có người ngồi sau ôm giữ. Lĩnh tiền từ ngân hàng hoặc từ tiệm vàng ra (những nơi đối tượng cướp giật hay theo dõi), nên đi bằng ô tô.
Hạn chế “alô”, nhắn tin khi đang đi trên phố, không thể đừng thì cần nắm chắc điện thoại, tốt nhất dừng xe vào lề đường và cầm máy bằng tay phải.
Theo Tùng Duy/Tiền Phong
Bình luận (0)