EU mở rộng vùng phi biên giới

22/12/2007 00:05 GMT+7

Bức màn sắt" từ thời Chiến tranh lạnh đã được dỡ bỏ vào hôm qua, khi EU chào đón 9 thành viên mới chính thức áp dụng Hiệp ước Schengen về khu vực biên giới tự do.

Cách đây 22 năm, Schengen chỉ là tên của một ngôi làng ở Luxembourg. Giờ đây, nó có nghĩa là một khu vực miễn hộ chiếu rộng lớn bao gồm 24 quốc gia với dân số 400 triệu người. Việc mở rộng khu vực Schengen của EU được nhiều người xem là bước đi tượng trưng cuối cùng dỡ bỏ "bức màn sắt" ngăn cách những thành viên thuộc Liên Xô trước đây với phương Tây. Kể từ ngày 21.12, khu vực Schengen đã chính thức mở rộng thêm với Ba Lan, Slovakia, Hungary, CH Czech, Slovenia, Malta, Latvia, Lithuania và Estonia.

Đây cũng được xem là một phần quan trọng trong tiến trình quá độ của các nước từng thuộc Liên Xô trên con đường trở thành thành viên của EU. Cùng với 15 thành viên cũ, khu vực Schengen giờ đây có kích thước bằng 1/3 Mỹ, cho phép công dân các nước thành viên EU tự do đi lại trên quãng đường 4.000 km từ Estonia đến Bồ Đào Nha mà không cần phải trình hộ chiếu. Hiện quy định về khu vực biên giới tự do chỉ mới được áp dụng cho đường bộ, cảng biển và sẽ được áp dụng cho đường hàng không vào tháng 3 tới. Ngoài ra, Anh và Ireland vẫn chưa muốn gia nhập Hiệp ước Schengen và các thành viên EU là Bulgaria, Romania chưa được tham gia khu vực trên.

Bên cạnh việc tạo ra một biên giới chung, Hiệp ước Schengen còn lập ra những luật lệ chung về chính sách đường biên giới như quy chế chung về tị nạn, thành lập Hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên qua các biên giới trong khối. Các mốc thời gian quan trọng của hiệp ước: Năm 1985, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Pháp và Đức đã gặp tại Schengen và quyết định phá bỏ dần các chốt biên phòng, tham gia hiệp ước; đến năm 1995 thì bắt đầu áp dụng. Năm 1995, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bắt đầu áp dụng. Năm 1997: Áo và Ý. Năm 2000: Hy Lạp. Năm 2001: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Iceland và Na Uy. Năm  2007: 9 quốc gia tại Đông u. Năm  2008: Dự kiến Thụy Sĩ sẽ áp dụng.

Giới lãnh đạo châu u đã vui mừng chào đón sự kiện lịch sử này. Theo AFP, Thủ tướng Áo Alfred Gusenbauer đã cùng với người đồng nhiệm Slovakia Robert Fico cưa đổ hàng rào ngăn cách tại chốt kiểm soát Petrzalka/Bergen để bắt đầu 3 ngày ăn mừng cho sự thay đổi trọng đại này. Người dân nâng cốc chúc mừng và đóng dấu kỷ niệm lên hộ chiếu của mình.

"Nơi đây từng có nhiều binh lính cầm súng máy và những chốt chặn bằng bê-tông vô cùng kiên cố. Ngay cả chuột cũng không chạy qua lọt", một người dân Slovakia tên Kolomam Prekop nhớ lại. Tại thành phố Frankfurt on Order ở biên giới Ba Lan, một trong những chốt biên giới quan trọng về chính trị tại châu u, khoảng 2.000 người đã hát lên khúc quốc thiều EU, bài Ode to Joy của Beethoven, dưới nền trời pháo hoa. "Không còn biên giới và do đó có sự bình đẳng", sinh viên người Ba Lan Mikhalina Yszczak nói. Một giờ trước đó, những bức tường ngăn biên giới tại các nước thành viên dọc theo bờ biển Baltic đã được dỡ bỏ.

Mục đích của việc mở rộng khu vực Schengen là nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch. Đối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây quả là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nhiều ý kiến cho rằng việc "bành trướng pháo đài EU" sẽ khiến việc đi lại khó khăn hơn cho người ngoài khối. Theo BBC, một số công ty du lịch cảnh báo số lượng du khách vào khu vực Schengen sẽ giảm dần do phí thị thực tăng cao và quá trình xin thị thực sẽ gắt gao hơn. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ những bức tường ngăn cách giữa biên giới Schengen mới và Schengen cũ khiến nhiều người lo ngại tình trạng tội phạm tăng cao và EU sẽ khó khăn hơn trong việc chống nạn di dân bất hợp pháp, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.