Cộng đồng Albania ở Kosovo cho biết họ sẵn sàng tuyên bố độc lập vào đầu năm tới sau khi cáác cuộc đàm phán về quy chế tương lai của vùng lãnh thổ này không đi đến đâu. Mỹ cùng một số nước châu u đã tỏ ý sẵn sàng công nhận "nước" Kosovo. Serbia, được Nga hậu thuẫn, cho rằng Kosovo, với 90% dân là người gốc Albania, vẫn thuộc Serbia và chỉ đồng ý trao quy chế tự trị rộng rãi hơn cho tỉnh này. Đầu tháng 12, EU đã đề ra kế hoạch đưa một "phái đoàn thực thi luật pháp" gồm 1.800 quan chức tư pháp, cảnh sát và hải quan đến Kosovo để thay thế hệ thống hiện nay ở tỉnh này, vốn nằm dưới sự cai quản của LHQ và NATO kể từ sau cuộc chiến tranh giữa người Serbia và người gốc Albania chủ trương ly khai hồi năm 1999.
Tuy nhiên, theo Hãng tin AP, nghị quyết của Chính phủ Serbia khẳng định rằng phái đoàn của EU sẽ không được hoan nghênh trước khi quy chế cuối cùng của Kosovo được giải quyết tại HĐBA LHQ, nơi Nga có thể phủ quyết bất cứ quyết định nào bất lợi cho Serbia. Dự thảo nêu rõ: "Việc gửi phái đoàn EU (đến Kosovo) như dự định sẽ là một hành động đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hiến pháp của Cộng hòa Serbia". Văn bản trên cho rằng Serbia phải "xem xét lại" quan hệ ngoại giao với những nước phương Tây công nhận "nhà nước" Kosovo, và rằng Serbia không nên gia nhập NATO do tổ chức này ủng hộ sự độc lập của tỉnh này.
Dự thảo nghị quyết cũng khẳng định Serbia phải "hành động hiệu quả để bảo vệ mạng sống và tài sản" của những người không phải gốc Albania ở Kosovo trong trường hợp tỉnh này tuyên bố độc lập. Việc ký kết Thỏa thuận Liên kết và Ổn định (SAA), bước đầu tiên hướng tới việc gia nhập EU của Serbia, vào tháng 1.2008 cũng phải "có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước", theo dự thảo. Chính phủ của Thủ tướng Vojislav Kostunica trước đó tuyên bố Belgrade sẽ ký kết SAA với điều kiện EU thừa nhận Kosovo là một phần của Serbia.
Theo Hãng tin AFP, HĐBA LHQ tuần qua đã không tìm được giải pháp cho vấn đề Kosovo do Nga ủng hộ quan điểm chống Kosovo độc lập của Serbia. Vì vậy, các nước phương Tây đã quyết định chuyển giao vấn đề này cho EU và NATO giải quyết. Mỹ và EU cho rằng quy chế tương lai của Kosovo sẽ là độc nhất và sẽ không tạo tiền lệ cho các khu vực đòi ly khai khác như Nga và một số thành viên HĐBA lo ngại.
Theo một số nhà ngoại giao châu u, cuộc họp của HĐBA có thể đánh dấu chấm hết cho các cuộc thảo luận tại LHQ về vấn đề Kosovo và việc EU sẽ tiếp nhận xử lý vấn đề này sau cuộc bầu cử ở Serbia vào tháng 2.2008 là điều không thể không xảy ra. Tuy nhiên, với phản ứng mới nhất của Belgrade, triển vọng giải quyết dứt điểm vấn đề Kosovo tiếp tục xa vời. Không thể loại trừ khả năng tái diễn một cuộc xung đột mới giữa người Serbia và người gốc Albania ở Kosovo, cũng như nguy cơ đối đầu giữa Serbia với phương Tây liên quan đến vấn đề này. Người Kosovo đang sắp phải trải qua một mùa xuân đầy bất trắc.
Trùng Quang
Bình luận (0)