Lá rụng về cội

11/12/2004 23:48 GMT+7

Có lẽ lần đầu tiên trong đời, tôi được giao một nhiệm vụ như vậy ! Một bức thư điện tử từ một bà bạn đang sống ở Hoa Kỳ gửi cho tôi: "Biết anh đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều loại người, nên mới cảm phiền anh chuyện này. Có 3 bà ở bên này, một bà tên Mận, 72 tuổi, đang ở Canada, bà thứ 2 tên Đấu, 73 tuổi, và bà thứ 3 tên Cẩm, 73 tuổi, đều đang ở Cali, Hoa Kỳ.

Cả 3 bà quê ở Hà Nội, đều ly hương từ mấy chục năm nay, chưa trở lại Việt Nam lần nào và cũng không còn ai là họ hàng thân thích, nay rủ nhau về Hà Nội một tuần để "xem đất nước thay đổi thực sự ra sao". Các bà cực kỳ... khó tính, giao hẹn trước là không chụp hình, không tiếp xúc rộng, không chịu đi theo tour vì sợ... bị tuyên truyền ! Mấy bà nhờ em giới thiệu cho một người cao tuổi, gốc Hà Nội để giúp mấy bà đi thăm Hà Nội"...

Tôi ở vào thế "không có đường lui", vì chỉ còn vài ngày nữa là "vào việc": vừa làm guide du lịch một cách... bất đắc dĩ vì không có chuyên môn, vừa làm tuyên truyền viên với những đối tượng đặc biệt, mấy chục năm nay giữ những định kiến không hay với đất nước vì chỉ nghe thông tin một chiều - mà có thể gọi thẳng là những thông tin thù địch. Chỉ có một điều khiến tôi tự tin để nhận lời: dẫu sao, đó cũng là những người Việt Nam mình, cũng là đồng bào mình... Hơn nữa, cứ để họ tiếp xúc và chứng kiến sự đổi thay của đất nước, tự họ sẽ suy nghĩ...

Tôi lên sân bay Nội Bài trước giờ máy bay hạ cánh chừng 10 phút. Đứng ở sảnh đợi bên ngoài, không khó khăn lắm để nhận ra 3 chị đang đợi lấy hành lý. Cả 3 đều đã có mái đầu bạc trắng, vẻ bên ngoài trông khá phúc hậu. Đợi khi cả 3 chị ra đến sảnh, tôi mới tiến lại trao mỗi chị một bó hoa nhỏ và tự giới thiệu tên, mời các chị lên xe taxi. Cảm nhận đầu tiên của tôi là các chị hơi... sững lại một chút vì ngạc nhiên, nhưng sau đó nhanh chóng trở lại với thái độ dè dặt, "cảnh giác" ! Khi xe qua cầu Thăng Long, thấy cả 3 chị chăm chú ngắm nghía cây cầu, tôi yêu cầu lái xe chạy chậm lại và cũng chỉ giới thiệu ngắn gọn: "Cây cầu cũ Paul Doumer, bà con mình gọi là cầu Long Biên, bắc qua sông Cái nay vẫn còn và sắp được sửa lại đúng như xưa. Hiện có thêm 2 cây cầu mới là cầu này, tên là cầu Thăng Long, và một cây cầu nữa là cầu Chương Dương. Một cây cầu đang xây dở là cầu Thanh Trì, và sang năm sẽ khởi công cây cầu thứ 5 là cầu Nhật Tân". Tôi nghe 3 chị ngồi ở hàng ghế sau bình luận với nhau bằng tiếng Anh: "Được đấy chứ nhỉ !".

Đặt trước 3 phòng ở một khách sạn kề bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi đưa các chị đến từng phòng và hẹn gặp lại vào 6 giờ sáng hôm sau. Đúng 6 giờ sáng hôm sau, tôi đã thấy 3 chị tề chỉnh, đứng đợi ở tầng trệt. Tôi mời các chị đi dạo một vòng quanh hồ trước khi đi ăn sáng. Các chị hết sức ngạc nhiên và tỏ vẻ thích thú về cảnh quan quanh hồ. Từng đoàn các cụ cao tuổi, nam có, nữ có, mặc đồng phục hẳn hoi, đứng trong hàng ngũ chỉnh tề để tập thể dục buổi sáng. Nhờ đã có dịp tham gia nên tôi cũng "đủ trình độ" để giới thiệu tốp này đang tập thái cực quyền, tốp kia đang tập ba la trùy... Qua cửa đền Ngọc Sơn, cả 3 chị cứ xuýt xoa khi qua khu vườn tượng, hầu như không bỏ sót một bức tượng nào không ngắm nghía, khen ngợi.

Sau khi ăn sáng, tôi đã chọn những "điểm" tham quan đầu tiên cho các chị là chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh. Tôi cố tình đưa các chị đến vào đúng ngày rằm để thấy cảnh khói hương nghi ngút và các đệ tử chen chúc nhau vào làm lễ. Tôi cũng đưa các chị đi thăm nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc và nhà thờ đạo Tin Lành vào một sáng chủ nhật. Các chị tỏ ra ngạc nhiên, bảo nhau: "Thế mà tụi nó nói tầm bậy hết sức...". Tôi không hỏi, mà chỉ suy đoán chắc "tụi nó" rót vào tai các chị trong nhiều năm rằng: "Ở Việt Nam mọi tôn giáo bị đàn áp, bị hạn chế một cách ghê gớm lắm !".

Một buổi tối, tôi mời các chị đi thăm khu phố cổ và cũng là phố đi bộ của Hà Nội. Tôi ướm lời hỏi các chị còn nhớ cái mức độ... điệu đà, có phần kênh kiệu (miền Nam mình gọi là "chảnh") của "con gái phố Hàng Bạc ngày xưa" ? Chị Đấu cười một cách thích thú khi nhớ lại: "Con gái phố Hàng Bạc ngồi ăn cơm chỉ được gắp một cọng dưa giá mà còn phải cắn làm đôi nữa kia !". Chị hỏi luôn: "Bây giờ, con gái Hàng Bạc ra sao, anh ?". Tôi nhìn quanh và chỉ luôn cho các chị mấy cháu gái mặc áo xanh thanh niên tình nguyện đang cầm cờ đỏ giữ trật tự trên vỉa hè: "Đó, thưa chị, những hậu duệ của con gái phố Hàng Bạc đó ! Không chỉ tham gia giữ gìn trật tự giao thông như thế này, mà các cháu còn có cả một mùa hè tình nguyện: đi vớt bùn ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, rồi dạy học ở các lớp học tình thương, chăm sóc những người tàn tật, cô đơn, những nạn nhân của chất độc màu da cam nữa. Phần lớn các cháu là sinh viên các trường đại học cả đấy!".

Thấm thoắt đã bước sang ngày thứ 5 trong chương trình của các chị. Các chị đã đi chợ Đồng Xuân, thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tần ngần đứng bên chiếc trống và chiếc chuông mà nhiều nguyên thủ quốc gia - trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton - đã từng đánh một cách thành kính. Các chị cũng đã đến thăm Gò Đống Đa, thăm làng gốm Bát Tràng. Khi đến tham quan chùa Một Cột, chị Cẩm hỏi tôi một cách đột ngột: "Người thường có được vào Lăng viếng Cụ Hồ không, anh?". Thực lòng, tôi đợi câu hỏi này của các chị từ mấy hôm nay. Tôi chậm rãi trả lời: "Đã có hàng chục triệu lượt người, cả người Việt Nam và người ngoại quốc, vào Lăng viếng Bác Hồ. Ai cũng vào được, nếu có một tấm lòng thành, một cái tâm của người Việt Nam. Sáng mai, tôi sẽ dẫn các chị đi".

Các chị vào viếng Bác Hồ với một vẻ mặt hết sức nghiêm trang, thành kính. Khi bước vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi dẫn các chị đi riêng, chỉ đi xem mấy phần, trong đó có phần trưng bày "Bác Hồ với kiều bào" để các chị thấy những minh chứng cụ thể của chính sách đại đoàn kết toàn dân mà Nhà nước ta đã nhất quán gìn giữ và phát triển từ ngày đó đến nay. Trước khi ra về, tôi đưa các chị vòng qua mô hình ngôi nhà lá của Bác ở Kim Liên, có chiếc võng gai và chiếc khung cửi của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác - đã từng cặm cụi đêm đêm để nuôi chồng, nuôi con. Chưa kịp giới thiệu xong, điều bất ngờ lớn mà tôi không thể hình dung đã xảy ra: cả 3 chị cùng ngồi sụp xuống sàn và chắp tay vái; cả 3 chị vội rút khăn tay giữ chặt lấy miệng và rảo bước ra cửa, có lẽ vì không muốn òa lên khóc trước mặt mọi người...

Thấm thoắt đã hết một tuần lễ. Tôi đưa các chị lên sân bay Nội Bài khá sớm so với quy định để có thêm thì giờ hàn huyên. Khác hẳn với cách đây một tuần lễ, các chị nói chuyện rất thân tình. Cả 3 chị chân thành cảm ơn tôi và chị Mận ngập ngừng hỏi nhỏ, muốn... trả tiền công cho tôi ! Tôi hỏi chị Đấu: "Nếu ở Hoa Kỳ, chị định trả tiền công một đại sứ bao nhiêu USD một giờ ?". Hầu như cả 3 chị đồng thanh hỏi lại: "Sao lại là đại sứ ?". Tôi trả lời bằng tiếng Anh, phát âm theo giọng Mỹ chuẩn để các chị dễ nghe: "Yes, 3 years ago, I was Ambassador Extraordinary and Plenipotentiary of Vietnam to the State of Israel for 4 years". Tôi rút trong ví ra chiếc thẻ đại sứ do Nhà nước Israel cấp, nay đã hết hạn và tôi giữ làm kỷ niệm. Thực ra, tôi làm đại sứ tại 5 quốc gia - trong đó có Israel - nhưng tôi chỉ kể Israel để các chị dễ thông cảm. Tôi không thể tả lại nét mặt hết sức ngỡ ngàng, kinh ngạc của các chị khi đó. Tôi phải nói thêm để các chị yên lòng: "Tôi nhận lời của chị Hường đi đón và giúp các chị với tư cách "một người quê ở Hà Nội", vậy thôi. Các chị đừng băn khoăn gì hết. Chúc các chị mạnh vui để năm sau về nữa. Về bên ấy, các chị kể cho mọi người quen biết những gì các chị đã thấy, đã nghe, thế là tốt lắm rồi".

Ngồi trên xe taxi trở về Hà Nội, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của nhà thơ nào đó: "Lá nào không rơi về cội, chim nào không trở về rừng ?".

Ghi chép của Nguyễn Lê Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.