Kiếm sống từ giày “bãi rác”

24/11/2009 23:59 GMT+7

Nằm hun hút trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội), xóm giày “nhếch” (sửa giày) có vẻn vẹn khoảng 20 hộ gia đình.

Họ ở trọ quần tụ với nhau thành một xóm nhỏ và cùng hành nghề “độ” giày. Có một điều đặc biệt là đa số những người dân trong xóm giày “nhếch” đều là người cùng quê với nhau, là người Xuân Trường, Nam Định.

"Ban đầu là đi thu mua và nhặt nhạnh đồng nát thấy có những đôi giày vẫn lành lặn đã bị người ta vứt bỏ đi, tiếc quá đem lau rửa lại rồi đem bán. Vài lần thấy cũng bán được nên nghĩ ra cách là “độ” giày, chắp vá những bộ phận lành của đôi nọ đem ghép với đôi kia, thế cũng thành một đôi rồi đem bán, dần dần cả xóm bảo nhau cùng làm", chị Phạm Thị Huyền, một người dân trong xóm đã 6 năm nay gắn bó với nghề này cho biết.

Những đôi giày cũ có thể được kiếm từ đống rác thải trên đường bờ sông Tô Lịch cách nơi sinh sống của họ không xa. Để tranh được những đôi giày, dép rách họ phải đi từ 4 giờ sáng, và thậm chí những đứa trẻ trong xóm cũng trở thành một lao động của gia đình. Chúng được bố mẹ đưa đi cùng để tranh lấy những đôi giày từ đống rác, đứa nào nhỏ thì được đứng canh... sản phẩm.

Để rồi đến ban ngày, những người chồng ở nhà khâu, sửa và “độ” những đôi giày dép hỏng, còn những người vợ trong xóm lại lang thang khắp các con ngõ nhỏ, cùng với việc mua đồng nát là tìm kiếm, nhặt nhạnh những đôi giày, dép hỏng để mang về cho chồng tái chế.

“Vui nhất là những lúc nào đi nhặt đồng nát hoặc bới từ đống rác được những đôi giày vẫn còn lành lặn, chỉ bị sứt chỉ, hoặc bật quai thì chỉ cần rửa sạch và khâu lại là có thể đem bán ngay được”, chị Lâm cho biêt. Nhưng chỉ thỉnh thoảng mới “vớ” được những đôi như thế, còn đa số thì đã nát tươm, mang về nhà chỉ lấy được cái móc quai hoặc cái nơ để trang trí thôi.

Cũng vì mang từ đống rác về nên nhiều khi đem về đến nhà rồi còn thấy nguyên những thứ hôi thối, uế tạp trong đó. “Nhưng cũng phải nhắm mắt, nhắm mũi mà cho qua chứ bỏ đi cũng phí công đã đi bới rồi mang về nhà”, chị Lâm cho biết thêm.

Để có một đôi giày đem bán, những người dân trong xóm giày “nhếch” phải tái chế những đôi giày bị bỏ đi qua rất nhiều công đoạn tương đối công phu. Những đôi giày sau khi nhặt nhạnh từ đống đồng nát hoặc tranh giành từ bãi rác đem về, chúng được cho hết vào một chiếc chậu nước xà phòng, khuấy đều rồi cọ rửa bằng bàn chải cho sạch sẽ.

Sau đó, chúng được phơi cho thật khô ráo rồi một lần nữa được đem ra chọn lọc kỹ càng. Đôi nào lành lặn hơn được để riêng, còn những đôi nào cần phải “độ” lại nhiều thì được để gọn một chỗ khác. Sau đó lại phải chọn lọc những đôi có thể ghép các bộ phận còn lành lặn với nhau, đôi nào hỏng nhiều thì phải chọn các bộ phận nhỏ còn dùng được để khâu vào các đôi khác...

Qua rất nhiều công đoạn công phu như thế nên những đôi giày dép cũ tưởng chừng đã trở thành phế thải lại có thể được tái chế và đem bày bán với giá trung bình ở dọc đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy vào các buổi tối hàng ngày.

Khi chải rửa sạch sẽ, khâu vá lại thì nhìn những đôi giày, dép cũng không đến nỗi nào. "Không phải bỏ vốn, chỉ coi như lấy công làm lãi nên đôi nào giá rẻ thì cũng bán được khoảng 40-50 nghìn đồng, đôi nào chất liệu tốt nên cố sửa chữa cho chắc chắn thì có thể bán đến giá 120 nghìn đồng. Giá không quá đắt nên mỗi hôm cũng bán được vài đôi, vì thế thu nhập cũng không đến nỗi nào", anh Hoàng Văn Quân vừa chỉ vào mấy đôi giày mới “độ” rất công phu của mình cho biết.

Ngọc Tuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.