Thù hận sắc tộc
Tòa án hình sự quốc tế Rwada (đặt trụ sở tại Tanzania) đã đưa ra phán quyết kể trên đối với Bagosora, 67 tuổi. Đây là quan chức cao cấp nhất của Rwanda bị kết tội liên quan đến vụ thảm sát làm cả thế giới giật mình hồi năm 1994.
Họ từng là những con người sinh động. Vụ thảm sát đã biến họ thành những nắm xương rời rạc như thế này - Ảnh: AFP |
Các vụ giết chóc kinh hoàng bắt đầu từ ngày 7.4.1994, tức một ngày sau khi chiếc máy bay chở theo Tổng thống Juvenal Habyarimana bị những kẻ tấn công bắn rơi ở gần sân bay Kigali (Rwanda). Đến bây giờ vẫn chưa xác định được thủ phạm của vụ này.
Ngay sau khi ông Habyarimana thiệt mạng, các binh lính Hutu (cộng đồng chiếm đa số ở Rwanda) cùng với những dân làng bị kích động bởi những thông điệp thù hận được phát ra rả trên radio, đã dựng các ụ chắn khắp các đường phố ở thủ đô Kigali và ngày hôm sau thì bắt đầu thảm sát dã man những người Tutsi thiểu số cũng như người Hutu ôn hòa.
Vụ thảm sát chỉ kết thúc khi lực lượng nổi dậy Tutsi do Paul Kagame, hiện đang là tổng thống Rwanda, đè bẹp được đạo quân của Bagosora 100 ngày sau đó. Hầu hết những kẻ thảm sát còn sống sót bỏ chạy qua Congo. Kể từ sau sự kiện này, Rwanda đã hai lần đưa quân sang Congo, kích động một cuộc xung đột lôi kéo 6 nước trong khu vực tham gia.
Quay lại vụ thảm sát ở Rwanda, đại tá Bagosora, lúc đó là giám đốc nội các trong Bộ Quốc phòng nước này, đã nắm quyền điều khiển quân đội cũng như các hoạt động chính trị của Rwanda sau khi Tổng thống Habyarimana qua đời trong vụ bắn rơi máy bay kể trên. Ông bị kết tội đã đứng ra điều khiển các cuộc thảm sát đẫm máu, vốn làm khoảng 800.000 người thiệt mạng.
Bagosora cũng bị buộc tội gây ra cái chết cho cựu Thủ tướng Rwanda Agathe Uwilingiyimana và 10 binh lính gìn giữ hòa bình quốc tịch Bỉ đã cố gắng bảo vệ cho bà Uwilingiyimana. Chính quyền Bỉ từng yêu cầu dẫn độ Bagosora về nước này xét xử.
Thông tin từ Tòa án hình sự quốc tế Rwada cho biết, trước khi thực hiện vụ thảm sát, Bagosora đã tham dự một cuộc đàm phán hòa bình ở Tanzania và la hét om sòm tại đây, tuyên bố ông ta sẽ trở về Rwanda để “chuẩn bị cho sự khải huyền”.
Nỗi kinh hoàng Rwanda vẫn có thể lặp lại khắp châu lục đen - Ảnh: AFP |
Sau vụ diệt chủng, Bagosora chạy sang sống lưu vong ở Cameroon và bị bắt vào năm 1996. Tiến trình xét xử ông ta bắt đầu từ năm 2002 và kéo dài cho đến tận ngày nay.
Cũng xin được nhắc lại rằng, người Hutu chiếm đa số ở Rwanda đã lật đổ chế độ quân chủ do người Tutsi thiểu số đứng đầu hồi thập niên 60 của thế kỷ trước. Các vụ xung đột và thù hận sắc tộc vẫn chưa bao giờ được giải quyết triệt để.
Cả thế giới khoanh tay đứng nhìn
Vào lúc vụ diệt chủng bắt đầu xảy ra, ở Rwanda đang có khoảng 2.500 lính của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại thủ đô Kigali. Trước đó, Tư lệnh của lực lượng này là Romeo Dallairie từng rất nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra thảm sát và xin thêm quân cũng như mở rộng quyền hành để ông có thể ngăn chặn nó. Nhưng tất cả những yêu cầu của ông đều bị từ chối. Bản thân Dallairie từng bị Bagosora dọa bắn chết.
Sau những gì xảy ra, LHQ và Tổng thống Bill Clinton (vốn lãnh đạo nước Mỹ trong thời gian xảy ra vụ diệt chủng Rwanda) đã xin lỗi vì đã không ngăn chặn nó.
Hơn 5 năm sau khi vụ xung đột xảy ra ở Darfur, LHQ vẫn chưa làm gì được nhiều - Ảnh: AFP |
Nhưng không phải vì thế mà thế giới đã học được bài học đau đớn này. Các vụ xung đột vẫn đang từng ngày xảy ra khắp châu lục đen mà không có được những hỗ trợ dứt khoát và kịp thời từ cộng đồng quốc tế. Thảm họa tại Sudan là một bằng chứng cụ thể. Ở khu vực Darfur của nước này, 300.000 người đã chết và hơn 2 triệu người phải bỏ nhà bỏ cửa tìm chỗ lánh nạn. Cảnh tượng này vẫn đang tiếp diễn.
Năm năm sau khi cuộc xung đột Darfur xảy ra, lãnh đạo tổ chức nhân đạo Oxfam tại Sudan hồi tháng 2 vừa qua đánh giá “tình hình còn tồi tệ hơn”. BBC dẫn lời ông này: “Khi tôi đến vùng đất xa xôi và khô cằn này, những người tị nạn nghèo túng tại trại Abu Shouk đã kể cho tôi nghe những câu chuyện của họ trong vô vọng... Họ kể rằng những đứa trẻ ở tuổi còn ẵm ngửa bị thiêu sống khi những gã đàn ông trên lưng ngựa san bằng nhà cửa của các em. Họ kể về những người phụ nữ bị hãm hiếp giữa lúc đang chạy khỏi nhà để tìm nơi trú ẩn… Đêm đến, người ta vẫn không thể nào ngủ được - bị ám ảnh bởi ý nghĩ sẽ bị giết chết khi đang nằm trên giường…”.
Thế giới đã làm được gì cho Darfur? Một lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ yếu ớt, rời rạc và ít ỏi, chẳng thể nào vận hành hiệu quả. Cũng còn đó những lời hứa trên các bàn hội nghị nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa một khi châu lục đen không mang lại đủ lợi ích về kinh tế và chính trị cho các cường quốc so với những hy sinh mà họ phải bỏ ra để có thể đem lại sự ổn định cho những người dân vô tội.
Đoan Nhật
Bình luận (0)