Điệp viên rừng xanh: bạn là ai?

27/12/2010 09:28 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đã thắc mắc về “Chiến dịch điệp viên rừng xanh” đăng trên trang Môi trường tuần trước. Chúng tôi giới thiệu chi tiết hơn về những “điệp viên rừng xanh”...

Cũng hoạt động tình nguyện vì môi trường, nhưng công việc của các bạn trẻ ở CLB tình nguyện viên hành động vì động vật hoang dã (có tên viết tắt là AWVC - Action for Wildlife Volunteers Club), trực thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) có một chút phiêu lưu mạo hiểm. Một cách âm thầm, những “điệp viên rừng xanh” đang ngày ngày theo dõi, giám sát các địa điểm kinh doanh trái phép động vật hoang dã tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Theo chân một “phi vụ”

Một sáng cuối tuần, M.L. (sinh viên ĐH KHTN TP.HCM) - một “điệp viên” của CLB AWVC - ngồi thong thả trong một quán nước nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM.

Mắt không rời cửa hàng bán động vật phía bên kia đường, L. cho biết: “Cửa hàng này đang bày bán hai con trăn đất. Mình đang xác định cho chắc chắn và sẽ báo cáo về trung tâm. Sau đó trung tâm sẽ báo cho cơ quan chức năng cử cán bộ xuống kiểm tra nguồn gốc hai con trăn này. Nếu cơ sở này vi phạm nghị định 32 của Chính phủ về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sẽ bị xử lý, tịch thu, những con vật tội nghiệp được trả về với thiên nhiên”.

Sau khi hoàn thành vụ trăn đất, chúng tôi theo chân L. đến hai hiệu thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM). Một kịch bản nhỏ được L. đưa ra: hỏi mua 3cc mật gấu tươi để ông nội ở Tiền Giang xoa bóp trị đau nhức. Cả hai cửa hàng chúng tôi đến đều có bán mật gấu, mai rùa, cao khỉ... Một người trong chúng tôi trò chuyện với chủ cửa hàng về giá một số sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã, sau đó chuyển sang hỏi giá và mua ít trà thanh nhiệt. Trong thời gian đó, L. có điều kiện lướt qua các tủ kính quan sát các sản phẩm.

Rời các cửa hàng, L. điểm danh nhanh các sản phẩm nghi ngờ từ động vật hoang dã và cho biết: “Sau khi về, mình sẽ viết ngay một báo cáo những gì quan sát được ngày hôm nay để gửi đến ENV. Trung tâm sẽ báo với kiểm lâm để kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm”.

Khảo sát hiệu thuốc là “phi vụ” được xếp loại dễ nhất. Các điểm đến khác như quán nhậu, nhà hàng, điểm buôn bán động vật hoang dã... yêu cầu “điệp viên” phải linh hoạt hơn để gạ hỏi nguồn gốc của động vật bị bày bán, hỏi kỹ về thực đơn, “lượn” ra khu vực nhà bếp quan sát xem có động vật hoang dã chuẩn bị được chế biến không, khéo léo giả vờ nhắn tin bằng điện thoại di động nhưng thật ra là chụp ảnh.

Người bán bao da điện thoại này kiêm luôn việc bán nhiều loại rùa hoang dã như rùa núi vàng, rùa ba gờ (đựng trong chậu)... - Ảnh: ENV cung cấp

Vì tình yêu môi trường

Mỗi “phi vụ” thường có 2-3 “điệp viên” tham gia để cùng phối hợp diễn xuất. Kịch bản diễn cũng khác nhau cho mỗi lần hành động. L. cho biết: “Tùy địa điểm khảo sát mà điệp viên sẽ chọn trang phục, cách nói chuyện phù hợp, khi nhận thấy nguy hiểm phải rút ngay, tuyệt đối không xuất hiện lúc kiểm lâm đến kiểm tra địa điểm từ tin báo của mình. “Điệp viên” cũng thường không cho người thân, bạn bè biết về công việc của mình”.

Nguyễn Thành Hưng - chủ nhiệm CLB AWVC - cho biết: “Trong một số trường hợp, khi đã chắc chắn và thấy có sản phẩm nghi ngờ làm từ động vật hoang dã, “điệp viên” có thể giả vờ hỏi mua để lấy thông tin về nguồn gốc, giá cả sản phẩm. Song, việc hỏi mua được hạn chế vì dễ gây kích cầu”!

Liệu công việc của các bạn có bị xem là “làm chỉ điểm”? Các “điệp viên” cười: “Chỉ điểm vì mục đích tốt thì có gì là xấu. Vì môi trường chúng tôi chấp nhận mọi khó khăn”.

Tính đến nay, chỉ sau tám tháng hoạt động (thành lập tháng 4-2010), các “điệp viên” đã thực hiện được hàng trăm bản báo cáo về gần 200 điểm vi phạm buôn bán động vật hoang dã, góp một phần lớn vào chiến công trả hàng ngàn thú rừng về với môi trường sống của chúng.

Phong trào cũng đang dần lớn mạnh. Hiện tại CLB có gần 100 thành viên (đều là sinh viên, học sinh) hoạt động thường xuyên. Và hôm qua, chủ nhật 26-12, CLB AWVC tiến hành tập huấn kỹ năng “điệp viên rừng xanh”, cho 50 bạn trẻ tại Trường Dự bị đại học TP.HCM (Q.5). Nhiều kỹ năng được các “điệp viên” đi trước chia sẻ: điều tra và giám sát vi phạm, nhận dạng các loài động vật hoang dã, thu thập thông tin và viết báo cáo vi phạm.

Thú vị hơn nữa, chi phí hoạt động do ban điều hành bỏ tiền túi và bán huy hiệu, ấn phẩm môi trường... gây quỹ.

Các bạn trẻ quan tâm đến hoạt động này, xin mời xem thêm thông tin về CLB AWVC tại www.facebook.com/action4wildlife, liên lạc qua email awvclub@gmail.com

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.