10 sự kiện thế giới 2009

25/12/2009 10:39 GMT+7

1. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức. Ngày 20.1, nước Mỹ chứng kiến thời khắc lịch sử khi ông Barack Obama đặt tay lên cuốn kinh thánh tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44, trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của xứ cờ hoa.

2. Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa 


Triều Tiên gây sốc cho cộng đồng thế giới khi tiến hành vụ thử hạt nhân.  

Ngày 25.5, CHDCND Triều Tiên gây sốc cho cộng đồng thế giới khi tiến hành vụ thử hạt nhân với chấn động đến 4,5 độ richter. Vào đúng Quốc khánh Mỹ 4.7 và tháng 10, Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa tầm ngắn và tầm xa, đẩy căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên lên cao.

3. Đại dịch cúm A/H1N1

 
Đại dịch cúm A/H1N1 bùng phát ở quy mô toàn cầu.

Ngày 11.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố đại dịch cúm A/H1N1 bùng phát ở quy mô toàn cầu, với tổng cộng 29.669 trường hợp lây nhiễm tại hơn 130 nước và khu vực trên thế giới, làm hơn 400 người thiệt mạng. Đây là đại dịch lan nhanh và rộng nhất trong lịch sử loài người, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người.

4. Michael Jackson bất ngờ qua đời

 
Sự qua đời của Michael Jackson gây ra một cơn địa chấn trong lòng người hâm mộ.

Ông vua nhạc pop đột ngột trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Los Angeles (Mỹ) chiều 25.6 vì trụy tim. Sự qua đời của Michael Jackson gây ra một cơn địa chấn trong lòng người hâm mộ. Từ nhiều đất nước, nhiều vùng trên thế giới, hàng triệu ngọn nến đã được thắp lên để đưa tiễn ông vua nhạc pop về với cõi vĩnh hằng trong sự nuối tiếc...

5. Cuộc bầu cử "cách mạng" tại Nhật

 
Thủ tướng Yukio Hatoyama.

Ngày 31.8, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tại Nhật, chấm dứt hơn 50 năm cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Chính quyền mới của Thủ tướng Yukio Hatoyama cam kết đưa nước Nhật thịnh vượng và phát triển.

6. Hải tặc Somalia tung hoành

 
Cướp biển Somalia tiếp tục hoành hành dữ dội.

Năm 2009, bọn cướp biển Somalia tiếp tục hoành hành dữ dội, bắt giữ nhiều tàu chở hàng quốc tế. Một lực lượng liên minh đa quốc gia đã được thành lập để chống hải tặc tại Somalia, tuy nhiên bất chấp sự hiện diện của lực lượng này, thỉnh thoảng các tàu hàng vẫn bị bắt giữ.

7. Mỹ từ bỏ lá chắn tên lửa ở Châu u


 Washington quyết định từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.


Tháng 9, Washington quyết định từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và CH Czech. Đây được coi là bước thay đổi to lớn trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ. Những mâu thuẫn xung quanh kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga.

8. Hiệp ước Lisbon có hiệu lực

 
Ông Herman Van Rompuy - cựu Thủ tướng Bỉ, chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh Châu u.

Từ 1.12, Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới đối với 27 nước thành viên Liên minh Châu u (EU). Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế quyền lực của EU được coi là một văn bản pháp lý quan trọng, hy vọng sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết. Ông Herman Van Rompuy - cựu Thủ tướng Bỉ, chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh Châu u (EU).

9. Hội nghị Copenhagen thất bại

 
Người dân biểu tình trong thời gian tổ chức Hội nghị Copenhagen.

Hội nghị thế giới về khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch đã kết thúc mà không đưa ra được mục tiêu cụ thể nào cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Các quốc gia công nghiệp cũng không đưa ra được một chương trình giúp đỡ cụ thể cho những nước đang phát triển. Chính phủ các nước đã phải mất 17 năm thương thảo để tổ chức hội nghị này, nhưng cơ hội quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã bị bỏ qua.

10. Châu Á là đầu tàu phục hồi kinh tế thế giới

 
Châu Á được coi là đầu tàu khắc phục hậu quả.


Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục năm 2009, trong đó Châu Á được coi là đầu tàu. Các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á đã kịp điều chỉnh chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Châu u, từ đó tạo đà để vực sức cầu nội địa. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phần nhiều sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ phụ thuộc vào Châu Á.

Theo Ban Quốc tế Báo Lao Động bình chọn /
Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.