- Trả lời: Tên thường gọi đầy đủ là chó đẻ răng cưa - sở dĩ người ta gọi tên như thế vì thường sau khi đẻ con xong, con chó thường chạy ra vườn tìm ăn loại cây này (để giúp làm tiêu huyết dư, ứ sau đẻ), và lá có hình răng cưa.
Ngoài ra, cây này còn có tên là diệp hạ châu. Tên khoa học là Herba Phyllanthi Amari. Cây chó đẻ răng cưa mọc rất nhiều nơi ở trong nước và một số nước châu Á, mọc nhiều vào mùa mưa. Có hai loại chó đẻ răng cưa: loại thân cây màu xanh và loại thân cây màu đỏ, nhưng người ta thường dùng loại màu xanh hơn. Bộ phận dùng là cả cây. Thường người ta thu hái cây chó đẻ răng cưa vào mùa hè - bởi thời điểm này các hoạt chất chữa bệnh của cây đạt ở ngưỡng cao nhất.
Theo y học cổ truyền, chó đẻ răng cưa có vị đắng, tính mát, có các công dụng: sát trùng tiêu ứ, tiêu độc, thông huyết, điều kinh (điều hòa kinh nguyệt), có nơi còn dùng để chữa bệnh sốt rét. Ngoài ra, loại cây này còn được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị bệnh viêm gan siêu vi B... Nhưng, lưu ý, những người thường xuyên bị tiêu chảy dùng phải cẩn thận, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Có thể dùng cây chó đẻ răng cưa bằng cách: dùng cây khô thì từ 10-20gr sắc (nấu) để uống trong ngày. Nếu dùng cây tươi thì mỗi ngày dùng từ 50-100gr giã nát, vắt lấy nước uống.
Lương y Trần Duy Linh (TP.HCM)
Bình luận (0)