Sẽ đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế

27/12/2005 23:50 GMT+7

Đã có rất nhiều lời khen ngợi về môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, từ chính các nhà đầu tư nước ngoài tại một hội nghị về đầu tư gián tiếp vừa được tổ chức trung tuần tháng 12. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này lạc quan cho rằng trong năm tới sẽ có một làn sóng đầu tư mới tràn vào Việt Nam.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP đã thu hút được 805,5 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTTNN). Phó giám đốc Sở KH-ĐT Lương Văn Lý tiết lộ: "Có 2 dự án lớn với số vốn khoảng 115 triệu USD sắp được cấp phép vì đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Như vậy, tính cả năm 2005 vốn ĐTTTNN chảy vào TP.HCM đạt khoảng 900 - 950 triệu USD là nằm trong tầm tay". Đây là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.

* Theo thống kê về tình hình thu hút ĐTNN trong 11 tháng đầu năm 2005 của Bộ KH-ĐT (chỉ tính riêng phần vốn đầu tư của những dự án mới), TP.HCM xếp thứ 5 (sau Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội) với 207 dự án, tổng vốn đầu tư 249,8 triệu USD.

* Tính từ năm 1988 đến nay, TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTTTNN. Tổng số dự án chiếm 30,6%, vốn đầu tư đăng ký chiếm 24,3% so với cả nước. Quy mô vốn bình quân cho một dự án đạt 6,73 triệu USD.

Đánh giá về thành công này, ông Lương Văn Lý cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên nhưng 2 điểm chính yếu là công tác xúc tiến đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. TP.HCM đã chi khoảng 5 tỉ đồng trong năm qua cho công tác xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư. Dù vậy, theo ông Lý, số tiền trên vẫn chưa bao nhiêu so với mức độ quảng bá rầm rộ của các nước chung quanh và mỗi năm cần phải có 1 triệu USD mới đủ làm tốt công tác quảng bá thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bước cải tiến thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐTNN lớn nhất trong năm qua của TP.HCM là Quyết định 236 của UBND TP.HCM. Trong đó, phân định rõ ràng trách nhiệm của từng sở, ngành, nhờ đó khâu then chốt vốn lâu nay gần như bế tắc là sự phối hợp giữa các sở đã trở nên trơn tru hơn. "Các cuộc họp giải quyết vướng mắc gần đây toàn là lãnh đạo các sở dự, không còn cảnh chuyên viên đi dự để về báo cáo nữa" - ông Lý nói.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty VinaCapital (quản lý Quỹ Vietnam Opportunity Fund - VOF) cho biết, 100 lãnh đạo các ngân hàng và quỹ đầu tư vừa tham dự một hội nghị đầu tư tại TP.HCM đều đánh giá rằng có nhiều cơ hội cho họ tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư này đang quản lý đến gần 200 tỉ USD. VinaCapital vừa thành lập thêm tại Việt Nam quỹ đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Đối tượng sẽ góp vốn vào quỹ này là những nhà đầu tư nói trên. Chẳng hạn, Millennium Partners, một quỹ đầu tư của Mỹ quản lý khoảng 4 tỉ USD, đã đầu tư vào VOF khoảng 20 triệu USD. Robert Knapp, Giám đốc điều hành Millennium Partners nói: "Đồng vốn bỏ vào VOF sinh lợi thì chắc chắn chúng tôi sẽ rót thêm tiền vào Việt Nam trong tương lai".

Ông Lương Văn Lý dự báo vốn ĐTNN vào TP.HCM năm sau sẽ tăng vọt bởi lẽ thành phố đang có nhiều dự án lớn như: dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc, khu Thanh Đa, hệ thống giao thông nội đô bằng bánh sắt... thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhằm tăng sức cạnh tranh, lãnh đạo TP.HCM cho biết đang rà soát lại các dự án bị "ngâm" lâu, chưa triển khai, sắp tới sẽ cương quyết thu hồi đất của những dự án này phục vụ cho các dự án mới. "Lĩnh vực y tế được các nhà ĐTNN quan tâm. Chúng tôi đang làm việc với Sở Y tế để quy hoạch lại hệ thống bệnh viện trên toàn thành phố nhằm xác định nhu cầu kêu gọi vốn ĐTNN vào lĩnh vực này. TP.HCM cũng đang kiến nghị với trung ương nhiều giải pháp để thu hút nhiều hơn vốn ĐTNN. Trong đó có việc mở rộng lĩnh vực dịch vụ kêu gọi ĐTNN. Ví dụ, dịch vụ hướng dẫn du lịch có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia..." - ông Lý tiết lộ như thế.

Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.