Giá tăng bất chấp quy luật
Tâm lý tiêu dùng với nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp tết thường được cho là tạo cung đột biến và đẩy giá hàng hoá lên cao. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là tại ngay cả trong bối cảnh kinh tế suy thoái thì thị trường vẫn bất tuân quy luật.
Tháng 12 năm nay, đã chứng kiến sự lội ngược dòng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với mức tăng 1,38%, cao nhất trong năm 2009, vượt mọi dự báo của các chuyên gia kinh tế. Cùng với đà tăng giá này, hiện trên thị trường HN, TPHCM, nhiều hàng hóa đã được áp dụng mức giá mới.
Khảo sát thị trường tại một số chợ và siêu thị tại HN, cụ thể dầu ăn Simple, Neptune tăng thêm 2.000-4.000 đồng, từ 30.000 lên 32.000 đồng/lít; đường kính trắng từ 15.000đ lên 18.000đ; bia lon Heineken từ 185.000đ/thùng lên 195.000đ/thùng; bia lon HN bán tại siêu thị giá 190.000đ/thùng, tăng 5.000đ/thùng so với giá cũ.
Các rượu giá cũng trên “trời”, bánh mứt kẹo trong nước và bánh kẹo nhập khẩu từ Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... đều đã tăng giá phổ biến từ 5-10%. Cá biệt có loại tăng giá gấp đôi được người bán lý giải là do giá nguyên liệu đầu vào như đường, phụ gia tăng.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - lo ngại: Sự “nóng” lên của thị trường hàng hóa cuối năm, không chỉ do yếu tố tâm lý còn có nguyên nhân thời gian qua tỉ giá ngoại tệ so với đồng VN chênh lệch quá lớn, khiến hàng hoá NK bị đội lên mạnh. Dịp tết này, thị trường cũng bị tác động bởi thông tin sắp tăng lương cho CBCNV vào đầu năm sau cũng khiến giá cả “leo thang” theo hiệu ứng dây chuyền.
Ông cũng xác nhận là tại thời điểm này kể cả chợ và các siêu thị đều đã rục rịch tăng giá đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. “Vì vậy, thực tế chỉ từ tháng 11 trở lại đây, mỗi gia đình ở HN phải chi tiêu thêm từ 300.000 - 800.000đ/tháng; nếu không đề phòng thì sau tết giá sẽ tiếp tục tăng” - ông Phú nói.
Trong khi đó, nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội, BigC, Fivimart... cũng đã nhận được khá nhiều đơn đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo ông Vương Thái Dũng - Phó TGĐ BigC - cho biết: Cty hiện tại chưa chấp nhận và đang đàm phán với các nhà cung cấp. Theo hợp đồng, yêu cầu tăng giá phải thông báo trước một tháng, nhà cung cấp và nhà kinh doanh cùng xem xét yếu tố hợp lý của việc tăng giá, áp dụng tăng giá từng bước, tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng và thị trường.
Đề phòng CPI tăng trở lại
Để đảm hàng hoá phục vụ tết, theo ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Hiện sở công thương các địa phương đã có phương án chủ động chuẩn bị đủ lượng hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết, không để xảy ra khan hiếm. Cụ thể, Sở Công Thương TPHN đã cho một số DN cung ứng chủ lực vay nguồn vốn ngân sách không tính lãi để dự trữ đủ lượng hàng cần thiết.
Theo Sở Công Thương TPHCM, từ giữa năm 2009, Sở Công Thương và UBND TPHCM đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm thiết yếu. Năm nay, UBND TPHCM quyết định tăng số tiền cho 13 DN đầu mối lớn vay không lãi suất trong thời gian 6 tháng để chuẩn bị nguồn hàng lên 422,3 tỉ đồng.
Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Cty Phú An Sinh - xác định đã chuẩn bị được hơn 2/3 lượng hàng và cuối tháng 12 này sẽ chuẩn bị xong toàn bộ hàng theo đúng kế hoạch. Cty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cũng hoàn tất việc chuẩn bị đưa ra thị trường khoảng 600 tấn thực phẩm chế biến trong dịp tết với giá ổn định. Ngoài việc đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ người dân dịp tết, UBND TPHCM yêu cầu các DN tham gia chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán hàng thực phẩm thiết yếu phải thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường là 10% trước, trong và sau tết.
Bà Quách Tố Dung - Phó GĐ Sở Công Thương - cho biết, từ nay đến cao điểm tết, các sở, ngành sẽ có 3 đợt kiểm tra hàng hóa của các DN tham gia chương trình bình ổn hàng tết.
Theo ông Trần Ngọc Thiều - Trưởng ban kinh doanh TCty Lương thực Miền Bắc, dịp tết này doanh nghiệp dự trữ 2.600 tấn gạo phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn. TCty Thương mại Hà Nội dự trữ gạo, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn... với tổng giá trị khoảng 400 tỉ đồng; TCty Rượu bia nước giải khát Hà Nội chuẩn bị 70 triệu lít bia rượu các loại, Cty CP bánh mứt kẹo Hà Nội đã sẵn sàng 400 tấn bánh kẹo...
Theo TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - nhận định: Những năm gần đây, tăng CPI thường có biểu hiện tăng mạnh vào các tháng cuối năm và giáp tết. Chẳng hạn đà tăng CPI của tháng 12 là 1,38% thì nhiều khả năng CPI tháng 1.2010 sẽ tăng khoảng 1% và tháng 2 (tháng tết) sẽ tăng tới 2%, nếu Chính phủ không có những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát quay trở lại.
Ông cũng cảnh báo, về tâm lý lạc quan trong tiêu dùng của người Việt cũng là một yếu tố bất lợi cho chính họ, bởi nhiều mặt hàng đã không hề có sự phản ứng giảm từ phía cầu khi giá tăng bất hợp lý, như đã xảy ra với sữa bột, ôtô... Điều này là không bình thường trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Theo Hồng Quân - M.Thoa / Lao Động
Bình luận (0)