Cạnh lối vào khu vực lò đốt rác, thân nhân người bệnh kê ghế bố nằm ngồi ngổn ngang và dưới chân họ là rác. Chúng tôi bất ngờ hơn khi đặt chân tới khu vực có bảng "Dịch vụ giặt ủi theo yêu cầu". Ngay sau lưng khu dịch vụ là... nhà vệ sinh dơ bẩn, nước thải dội ngược ra ngoài gây ngập. Bên phải nơi giặt ủi là khu bệnh nhân đang điều trị, còn bên trái trương bảng... cấp cứu ! Tại đây, thùng rác theo quy định biến mất thay vào đó là túi nilon chứa đủ thứ chất thải bốc mùi rất khó chịu.
Vì sao bệnh viện lớn nhất tỉnh lại mất vệ sinh, nhếch nhác như vậy? Câu trả lời của những người có trách nhiệm tựu trung vẫn là: "Bệnh viện đang trong quá trình xây dựng lại theo kiểu da beo nên chưa thể đưa vào quy củ được. Bệnh nhân cùng người nuôi bệnh lúc cao điểm lên trên 1.200 người nên rất khó quản lý rác". Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy lý do biện minh này chưa đủ sức thuyết phục. Bởi theo lời một cán bộ lãnh đạo tỉnh: "Bệnh viện này nhếch nhác luộm thuộm còn do người quản lý chưa làm hết chức trách được giao".
Rác tại khu giặt ủi |
Năm 2001, ngân sách tỉnh rót khoảng 2,5 tỉ đồng đầu tư lò đốt rác y tế theo công nghệ của nước ngoài với công suất 200 kg/ngày đêm (đặt tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang). Thời gian đầu vận hành, lò 1 có thể chạy liên tục 3 mẻ ngày, mỗi mẻ mất 8 giờ và đốt khoảng 65 kg rác. Nhưng ông Trương Hoài Vinh, người phụ trách vận hành cho biết hiện nay lò chỉ có thể chạy 2 mẻ/ngày đêm và không thể hơn nữa được. Bác sĩ Nguyễn Văn Sách, Giám đốc bệnh viện cho hay "Lò đốt rác này còn phải gánh thêm cho những bệnh viện công, bệnh viện tư tại TP Long Xuyên và các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn. Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân đem đến cũng phải xử lý thế nên giờ đã quá tải. Tại đây, mỗi tuần ứ đọng khoảng 500 kg rác thải y tế nên việc ô nhiễm là không tránh khỏi".
Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng nước thải, rác sinh hoạt xuất hiện tràn lan, BS Sách nhìn nhận một thực tế là đội thu gom rác của bệnh viện hiện chỉ có 4 người mà công việc thì cứ như núi ! Đã vậy có không ít người vào bệnh viện nhưng ý thức giữ vệ sinh chung quá kém.
An Giang có 15 bệnh viện công, 3 bệnh viện tư, 150 trạm y tế xã và khoảng 2.000 cơ sở y tế tư nhân. Mỗi ngày các bệnh viện, trạm xá, cơ sở y tế cần phải tiêu hủy hơn 3.600 kg rác thải y tế. Nhưng hằng ngày, 2 lò đốt rác thải y tế công lập đáp ứng chưa tới 10% so nhu cầu.
Bài, ảnh: Quang Minh Nhật
Bình luận (0)