Con giun dài 10cm được lấy trong mắt bệnh nhân - Ảnh: Thúy Anh |
Xuất hiện giun lạ
PGS.TS Hoàng Minh Châu, Phó giám đốc của bệnh viện trên cho biết: "3/4 mẫu giun ký sinh lấy ra từ trong mắt bệnh nhân là giun chỉ. Nhưng, để đọc được chính xác tên của chúng, bệnh viện phải nhờ các chuyên gia về ký sinh trùng". Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ gien (gien 18S là gien chung cho giun chỉ), bước đầu xác định được gien của giun trong mắt các bệnh nhân nói trên tương đồng, giống với loài giun chỉ. Riêng có một mẫu đã được xác định gần giống với giun chỉ, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam. PGS.TS Châu cho biết thêm: "Việc xác định chính xác đang tiếp tục được các chuyên gia thực hiện. Chưa đầy một năm mà phát hiện 5 bệnh nhân giun trong mắt là hơi bất thường, so với số lượng chung được ghi nhận trong những năm qua".
Bệnh nhân bị giun chui vào mắt nhập viện với triệu chứng mắt cộm, rất khó chịu. Đặc biệt, với loài giun chỉ có nguồn gốc "ngoại" nhập cư phát hiện trong mắt hai bệnh nhân, các chuyên gia sẽ thực hiện điều tra dịch tễ để xem xét các yếu tố lây nhiễm, truyền bệnh, đường "nhập cư", từ đó, có các can thiệp, phòng bệnh kịp thời.
Có nhiều loại ký sinh trùng có thể trú ngụ tại mắt, trong đó có một số loại giun như giun chỉ, hoặc các loại ký sinh trùng khác như ấu trùng sán dây lợn, sán nhái. Để tránh các loại ký sinh trùng vào trong cơ thể, cần phải đảm bảo vệ sinh ăn uống, hạn chế ăn tiết canh, gỏi cá, ăn rau sống thì cần rửa sạch... Không uống nước lã và tắm rửa ở những vùng nước không đảm bảo vệ sinh vì ký sinh trùng có thể xâm nhập vào người. |
Các bác sĩ chuyên khoa mắt lưu ý: giun cũng như ký sinh trùng cư trú trong mắt có thể gây đau mắt, sưng tấy, viêm nhiễm kết, giác mạc. Tùy từng "vị trí" định cư, chúng có thể gây tác hại khác nhau, thậm chí giảm thị lực, mù lòa.
Chớ coi thường giun "quen"!
Tỷ lệ nhiễm giun trong cộng đồng trung bình ở mức 20-60%, nhưng tại khá nhiều nơi, tỷ lệ này lên đến 80-95%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới, ước có đến 1,4 tỉ người nhiễm giun đũa và có tới 65 ngàn người chết do giun đũa mỗi năm. Đáng lưu ý, nhiễm giun đũa phối hợp với nhiều loại giun khác (giun kim, giun tóc) khá phổ biến. Có tới 89% số người nhiễm có từ 2 loại giun trở lên và có tới 68% người nhiễm giun sau điều trị lại tái nhiễm sau 6 tháng - đây là mức tái nhiễm rất cao.
Ở những lứa tuổi khác nhau, giun đũa đều có thể gây hại cho người. Các chuyên gia lưu ý: Giun đũa khi chui vào ống mật hoặc túi mật có thể gây ra những bệnh lý ở gan, mật rất nguy hiểm như: tắc nghẽn đường mật, trứng giun có thể là tác nhân tạo ra sỏi mật, những ổ mủ trong gan với các triệu chứng: đau quặn vùng bụng trên, bên phải, sốt cao, vàng da. Ở trẻ nhỏ, giun đũa có thể là nguồn chiếm chất dinh dưỡng, có thể gây suy dinh dưỡng, bởi cứ 10 con giun đũa mỗi ngày ăn mất một lượng protein tương đương với khoảng 20 gr thịt bò.
Nam Sơn
Bình luận (0)