Điều này được soi rọi thêm bởi một hiện tượng đầy nghịch lý: trong khi chính phủ và quốc hội Mỹ mất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức tranh cãi nhau mới có được chương trình tài chính cứu trợ cho ba tập đoàn chế tạo ô tô này thì ở Canada chỉ là một quyết định đơn giản của chính phủ. Nguyên do cho "nghĩa cử" của Chính phủ Canada đối với GM, Ford và Chrysler ẩn náu ở nhiều phương diện.
Trước tiên là lo ngại về hiệu ứng Đôminô của khả năng ba tập đoàn trên bị phá sản. Các chi nhánh của ba tập đoàn nói trên của Mỹ ở Canada chiếm 20% vốn và thị phần của họ và đóng góp đâu có nhỏ vào GDP của Canada. Nếu các tập đoàn mẹ ở Mỹ bị phá sản thì các tập đoàn con ở Canada cũng chịu chung số phận, kéo theo các hãng cung ứng phụ kiện sa sút và tiêu hủy hàng trăm ngàn chỗ làm việc ở Canada. Tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội khó có thể lường hết được và rồi sẽ kết tụ lại thành tác động chính trị nội bộ ở đất nước này.
Đó chính hiện lại là điểm yếu nhất của Thủ tướng Canada Harper với chính phủ thiểu số của mình. Chính phủ của ông Harper vừa mới thoát hiểm trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mới rồi, nhưng vị thế ngày càng suy yếu, sự hậu thuẫn về chính trị ngày càng thêm suy giảm... Vì thế, nếu mạnh bạo sớm ra tay tham gia cứu giúp ba đại gia ô tô của Mỹ để cứu sống các chi nhánh của họ ở Canada thì cũng có nghĩa là cứu được chính mình, cứu người để cứu mình, cái được sẽ lớn gấp nhiều lần so với cái mất và có ý nghĩa quyết định đối với cả tương lai.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)