Tự sự của một người làm báo

15/12/2005 09:27 GMT+7

Mấy hôm nay, tòa soạn giục tôi viết về ngày Báo chí 21/6. Tôi chưa lấy lại được cảm xúc vì sau một chuyến đi công tác dài ngày, tinh thần bất định và mệt.

Hôm nay tôi lại muốn viết, tuy ngày 21.6 vừa mới qua. Dẫu sao cũng chưa muộn. Vả lại, Đài truyền hình Việt Nam đang phỏng vấn tôi cũng về đề tài này. Đáng lẽ cuộc phỏng vấn được thực hiện sớm nhưng do tôi đi công tác về không kịp. Xin cảm ơn VTV3 đã cho tôi có dịp để suy nghĩ lại, cả cảm xúc và lý trí đối với công việc và nghề nghiệp của mình trong một thời gian dài, ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt của Việt Nam. Mới hôm qua, đài BBC gọi phỏng vấn tôi cũng vấn đề này nhưng tôi thấy không thể trả lời vì trong ý nghĩ chưa có gì mới.

Nhưng bỗng nhiên sáng nay, trước khi ra Hà Nội, tôi lại muốn viết, có nhiều đồng nghiệp nước ngoài từng đặt câu hỏi với tôi:"Làm báo ở Việt Nam thế nào ? Khổ hay sướng ? Tự do hay không tự do ?". Tất nhiên tôi đã nhiều lần trả lời và mỗi lần tôi đều nói rất thật với suy nghĩ của mình. Tôi đã cố gắng nói đúng với thực tế, không xa lạ với những gì đang xảy ra trong đời sống báo chí Việt Nam.

Hôm nay, tôi xin được tự sự nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam về những suy nghĩ của mình. Theo tôi, người làm báo trước hết phải là công dân tốt, một cán bộ tốt, nếu thêm nữa là một đảng viên cộng sản thì phải là một đảng viên tốt. Tất nhiên, từ "tốt" này được phán xét theo suy nghĩ và nhìn nhận của từng người nhưng dứt khoát không thể nào nói một người làm báo tốt khi anh ta là một công dân xấu.

Hôm còn ở nước ngoài, tôi đọc trên Thanhnien Online thông tin một Việt kiều Mỹ về Việt Nam xây dựng nhà bán cho Việt kiều và thân nhân của họ bị đưa lên báo theo hướng không tích cực. Tôi buồn. Tại sao một người làm ăn lại bị như vậy? Phản ứng tức thời của tôi là buồn. Tôi muốn mọi người làm ăn, sinh sống tại Việt Nam - đất nước tôi luôn được bình yên, yên ổn trong luật pháp và trong đời sống. Bóp chết một doanh nghiệp làm ăn "lành lặn" hay thậm chí có một vài lỗi nhỏ không là niềm vui của báo chí, của lãnh đạo Nhà nước hay của bất kỳ ai. Và loại thông tin đó cũng không phải gây sự chú ý của người đọc, bởi vì tâm trạng của tôi vừa nói ở trên là tâm trạng của người đọc hôm nay.

Niềm phấn khích của tôi ở thời điểm này cũng có phần là do đọc bài của Thủ tướng Phan Văn Khải trên tờ Washington Times mà Báo Thanh Niên có đăng lại toàn văn cũng như phần nói về vai trò của báo chí Việt Nam trong đời sống xã hội. Ông đánh giá rất cao và rất đúng về báo chí, cho dù tôi biết qua nhiều lần nói chuyện với tôi, hoặc đâu đó trong các cuộc họp, không phải lúc nào ông cũng hài lòng với báo chí, thậm chí có lúc ông gay gắt với báo chí. Trong bài báo đó, Thủ tướng viết: “Báo chí đã bổ sung cho chiến lược cải cách của chúng tôi và là một vũ khí không thể thiếu được trong cuộc chiến chống tham nhũng và tệ quan liêu. Báo chí Việt Nam đã tích cực vạch trần những bất công, giành được sự ngưỡng mộ của người dân. Những nỗ lực quả cảm được chính phủ khuyến khích và bảo vệ”.

Cái khó nhất của người làm báo, như tôi đã nói, họ trước hết phải là một công dân nhưng công dân đó cũng có dồn nén, có vui sướng, có đau khổ, có bất bình nhưng không phải nén lại mà phải thể hiện các cảm xúc đó với công chúng trên mặt báo diễn ra hằng ngày. Ví dụ thấy Nhà nước ở cấp cao nào đó đối xử với doanh nghiệp không bình thường, gây khó khăn cho họ, nhà báo phải phản ứng trên báo để thông tin cho người đọc. Thấy một nhân viên Nhà nước hối lộ, gây khó khăn cho nhà đầu tư để trục lợi, nhà báo phải khó chịu và phản ứng như phản ứng bình thường của bất cứ người dân bình thường nào vì sự tổn thương và thiệt hại của xã hội, của chế độ và đất nước do những hành động như vậy gây ra chứ không chỉ phản ứng trong phạm vi trao đổi với bạn bè, gia đình như sự tức giận hoặc bất bình của một công dân làm ngành nghề khác. Công dân có điều kiện hơn thì có tiếng nói với nhà chức trách ở mức độ nào đó, có người lại viết thư phản ảnh lên báo, còn nếu người phóng viên chứng kiến có đầu có đuôi thì dứt khoát sự việc sai trái đó phải được đưa lên báo (tất nhiên ở đây tôi loại trừ những phóng viên không bình thường và vụ lợi).

Người làm báo có cái khổ tâm là mọi cái mình biết và suy nghĩ đều phải đưa lên mặt báo còn người công dân bình thường thì họ đổ vào những chỗ khác, phản ứng theo cách khác. Cho nên người viết báo ngày nào cũng phải phơi "tâm can" của mình cho người khác nhìn. Có thêm bạn cũng nhiều mà những người ghét mình cũng không ít.

Tôi nói một việc cụ thể: Vụ Năm Cam và đồng bọn đã kết thúc. Dù rằng đó là những tội phạm nguy hiểm, làm tha hóa cán bộ, làm tổn hại uy tín và chế độ cả về hình sự, chính trị, kinh tế nhưng đến giờ này những người tham gia phá án, những người làm báo tích cực tham gia đưa vụ này ra ánh sáng, chưa phải đã hết "kẻ yêu, người ghét" mà trong số người ghét có khi có cả những người đang có trách nhiệm trong bộ máy, xuất phát do suy nghĩ này, quan hệ kia. Có người chưa thông cảm hết vì thấy trong vụ này cán bộ bị mất mát nhiều quá, theo quan điểm của họ.

Bàn trở lại câu hỏi rằng, tôi có bị hậu quả gì ở vụ án đó cũng như ở những vụ tương tự ? Tôi quả quyết là có. Có khi nặng nề nữa là đằng khác. Có sự nghi kỵ, kiếm chuyện... nhưng dứt khoát đó không phải là số đông trong bộ máy Đảng và Nhà nước ta. Đó là điều rất đáng mừng đối với nước ta.

Tôi còn nhớ ông Evgeny Leng, một phóng viên APN của Liên Xô cũ, khi Báo Thanh Niên mới ra đời, ông viết một bài báo với tiêu đề xanh rờn: "Chúc báo Thanh Niên sẽ có kẻ thù". Nghe ra rất ngược đời nhưng lại có lý lẽ của nó.

Lý lẽ ở chỗ là, khi anh minh bạch thì những kẻ không minh bạch dứt khoát ghét anh. Anh đổi mới, chống tham nhũng theo đường lối của Đảng, thì đám tham nhũng và người không thích đổi mới sẽ ghét anh. Đến nỗi lời bình luận ngược đời đó được các nhà báo nổi tiếng lúc đó như Phan Lang, Trần Công Mân của Quân Đội Nhân Dân và anh Bến Nghé - Báo Sài Gòn Giải Phóng, Thép Mới - Phó tổng biên tập báo Nhân Dân không ngớt bình luận trên các báo.

Làm báo, tôi chỉ sợ mỗi một điều là ta làm việc gì đó để cho những người tốt, người trung thực ghét mình, xa lánh mình và coi thường mình chứ tôi tuyệt đối không sợ người xấu ghét bỏ và thù hằn mình.

Những người làm báo muốn đồng hành với người tốt, với những người luôn đặt lợi ích của xã hội và đất nước lên trên cái riêng tư của mình và không bắt tay với người xấu làm băng hoại xã hội, đất nước, chế độ, làm những việc không bình thường để tạo một hình ảnh xấu trong mắt của nhân dân trong nước và bạn bè thế giới đối với nước Việt Nam chúng ta đang vươn lên trong gian khó và tụt hậu để phát triển.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 25/6/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.