Kịch kinh dị chuyển hướng ra đất Bắc

11/12/2007 22:52 GMT+7

Không ít lần Lê Hùng đã sử dụng yếu tố "cõi âm" để nhát ma khán giả. Nhưng đạo diễn một vở kịch kinh dị với nhân vật chính là quỷ như trong Quỷ nhập tràng (Nhà hát Tuổi Trẻ) thì có lẽ đây là lần đầu tiên.

Xưa nay, Lê Hùng vốn mang tiếng là người thích... ma quỷ. Các tác phẩm của anh thường lởn vởn vài bóng ma: ma chờn vờn quanh những âm mưu đen tối (Macbeth), ma lảng vảng giữa những giấc mơ điên (Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử), và thậm chí, ma cư ngụ ngay trong lòng người (Ngoại phạm). Tóm lại, ma của Lê Hùng luôn tượng trưng cho bóng tối, sự bế tắc và cái ác. Thế còn Quỷ nhập tràng thì sao?

Anh Ất vốn là một trai làng bình dị. Anh chẳng làm gì nên tội ngoài cái tội sinh ra ở đúng làng Bời đói kém. Dân làng Bời mấy đời quen cắm mặt xuống đất, gọi dạ bảo vâng, có muốn thưa gì với quan cũng phải uốn lưỡi 7 lần. Thế mà bỗng đâu "mọc" ra anh chàng Ất mở mồm là đòi kiện cáo, quan chịu sao nổi. Mà số anh Ất cũng thật đen đủi. Chủ trương của quan là dằn đòn cho đến khi người ta gần chạm địa ngục thì tha, để họ cảm động mà tình nguyện làm tôi tớ cho quan suốt đời. Nhưng chẳng may, bọn lính quá tay. Thế là anh Ất thiệt mạng. Uất hận tích tụ đến chết cũng không tan được. Kẻ lạc loài của làng Bời biến thành quỷ nhập tràng.

Đã khá quen với các loại ma mang nhãn hiệu Lê Hùng cùng những thủ pháp gây sốc của anh, nhưng đến con quỷ này vẫn phải tặc lưỡi thêm lần nữa: anh quả có tài... nhát ma. Nhang khói âm u, kèn sáo thê thiết, chưa chi không khí rờn rợn đã kích động nỗi sợ hãi của khán giả. Và trong khi ai nấy nhấp nhổm ngó chằm chằm lên sân khấu thì quỷ bất ngờ xuất hiện ngay dưới khán phòng, khiến không ít người giật mình hét toáng. Đã thế, nối giữa 2 màn kịch là một giọng giới thiệu đều đều, rền rĩ, vi vu như thể vọng lên từ cõi nào đó: "Vở kịch không dành cho những khán giả yếu tim và trẻ em dưới 14 tuổi". Nhưng, sau những phút thót tim ban đầu, thì càng xem càng thấy đỡ sợ và cuối cùng là... hết sợ. Con quỷ của Lê Hùng lạ lắm. Ngoài màn "trình làng" rùng rợn ra, nó càng lúc càng trở nên... dễ thương chẳng khác gì anh Ất khi còn sống. Nó không hề dọa dẫm dân làng mà chỉ thích "sờ gáy" bọn cường hào, địa chủ. Bằng quyền năng của loài quỷ, nó rêu rao thói háo sắc cùng sự tàn bạo của gã xã trưởng ngoài miệng thơn thớt nói cười, nó phơi bày sự giả dối của đám con cháu nhà quan, của những đứa con bất hiếu, cha chưa chết đã hè nhau chia của. Nhưng con quỷ này cũng ngây thơ y như anh Ất vậy. Nó không nhìn thấu được sự giả dối ẩn sau những lời hứa hão. Vậy nên, xã trưởng vừa tuyên bố xóa nợ cho dân, quỷ liền sung sướng chấm dứt kiếp sống thừa nơi dương thế, để chỉ một phút sau, lại đau đớn bật dậy vì biết mình bị mắc lừa.

Xem đến hồi kết Quỷ nhập tràng, người khoái chuyện ma chắc cảm thấy hơi thất vọng. So với những màn đầu hồi hộp, về sau cường độ sởn da gà giảm đi ít nhiều. Nhưng những ai ưa triết lý có khi lại tấm tắc trước phép hoán đổi của Lê Hùng. Ở màn kịch đầu tiên, người ta xác định rõ ràng quỷ là quỷ và người là người. Nhưng rồi, rất tự nhiên, người ta thấy con quỷ ấy càng lúc càng giống người còn những kẻ như xã trưởng càng lúc càng gần với quỷ. Màn hạ thì rút ra một kết luận: là quỷ hay là người - căn cứ vào dáng vẻ bề ngoài mà phán đoán nhiều khi không chính xác. Biết đâu trong nhiều trường hợp, rất có thể quỷ mang trái tim người còn người thì lại đội lốt quỷ. Để có một cái kết "mở" như thế, phải chăng Lê Hùng vẫn còn nhiều cảm hứng với đề tài này?

Sau khi đại náo sân khấu kịch phía Nam, có vẻ như, cơn sốt kịch kinh dị đang dần chuyển hướng ra phía Bắc.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.