Xe

Bỗng dưng thành gái mại dâm: Cần xử nặng người đưa thông tin lên web 'đen'

06/01/2017 11:31 GMT+7

Thời gian gần đây nhiều người sống dở, chết dở khi có nhiều cuộc điện thoại từ số máy lạ gọi, nhắn tin hỏi giá mua dâm, rủ đi khách sạn.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng hành vi này là xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác, có thể bị xử lý hình sự và phạt tiền.
Chị P.T.M.H (25 tuổi, nữ sinh viên năm 3, hệ vừa học vừa làm) đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Thanh Niên về việc hơn một tháng qua bị người dùng Facebook có tên “Du Lãng” và tài khoản Zalo có tên "My Hằng" đăng hình ảnh và thông tin cá nhân của chị giới thiệu là "sinh viên đang cần tiền nên 'đi khách'” với giá 1 triệu đồng kèm theo số điện thoại của chị H. Mỗi ngày có hàng chục người gọi điện thoại đến số máy của chị H. hẹn đi... khách sạn. Chị H. sau đó đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Điều đáng nói, chị H. không phải là nạn nhân duy nhất gặp phải trường hợp này. Thời gian gần đây nhiều người sống dở, chết dở khi có nhiều người lạ gọi, nhắn tin vào điện thoại hỏi giá mua dâm, rủ đi khách sạn.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hành vi đưa hình ảnh, số điện thoại của người khác lên Facebook, Zalo, các trang web đen với thông tin bịa đặt họ là gái mại dâm thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Về xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP thì hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng”, LS Huyền phân tích.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Đó là tội "làm nhục người khác: theo Điều 121 BLHS.
Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

tin liên quan

Bỗng dưng thành… gái bán dâm
Nhiều bạn đọc phản ánh đến Thanh Niên họ đang sống dở, chết dở khi bỗng nhiên có nhiều người lạ gọi, nhắn tin vào điện thoại hỏi giá... mua dâm, rủ đi vui vẻ.
Ngoài ra, người đưa thông tin người khác lên mạng xã hội mà xuyên tạc thông tin không có thật còn có thể bị xử lý tội vu khống theo Điều 122 BLHS. Theo điều này, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, theo LS Huyền, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân người khác mà không được người đó đồng ý là vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Điều 592 BLDS 2015.
Thiếu tá Phạm Công Hải, Phó phòng 2 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an cũng nhận định việc đưa hình ảnh, số điện thoại lên các trang web “đen” giới thiệu là gái bán dâm là hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác, có thể bị xử lý tội làm nhục người khác. C50 có nhận một số đơn kêu cứu vì bị các đối tượng cố ý đưa số điện thoại mình lên các trang web “đen”.
Thượng tá Hải cho biết, tùy vào mức độ thiệt hại, hậu quả gây ra với nạn nhân mà cơ quan chức năng sẽ xử lý.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.