Bóng hồng để nhạc sĩ Từ Vũ hoàn thiện 'Gái Xuân' chỉ trong... 15 phút

05/10/2021 11:55 GMT+7

Tác giả nhạc phẩm Gái Xuân (thơ Nguyễn Bính) là Từ Vũ. Ở tuổi 20 thời ấy, tuy nhiều mộng mơ nhưng vẫn nhút nhát khi lời yêu thương chưa dám ngỏ, để rồi một bóng hồng đã tạo niềm xúc cảm để ông hoàn thành tác phẩm để đời chỉ trong... 15 phút.

Từ Vũ tên thật Trần Đỗ Lộc. Ông theo gia đình vào Nam năm 1950, lúc vừa 18 tuổi. Phải mất thời gian khá dài để ổn định lại cuộc sống mới. Năm sau ông theo học năm cuối bậc trung học. Vào lứa tuổi 20 thời ấy, tuy rất nhiều mộng mơ, lãng mạn, nhưng vẫn còn nhút nhát lắm; lời yêu thương chưa dám ngõ. Chỉ biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư hoặc làm dăm ba bài thơ… thẩn.

"Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân" có tên người thầm thương, trộm nhớ

Thuở học trò của Từ Vũ, cũng là thế giới của Đinh Hùng: “Làm học trò, không sách vở cầm tay/Mang tâm sự, đi nói cùng cây cỏ…”, hoặc của Tế Hanh: Những ngày nghỉ học tôi hay tới/Đếm chuyến tàu đi đến những ga/Tôi đứng bơ vơ, trông tiễn biệt/Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”.

Nhạc sĩ Từ Vũ

T.L

Một hôm tình cờ, cậu học trò Trần Đỗ Lộc vớ được tập thơ Mây Tần của cố thi sĩ Nguyễn Bính.Trong đó có Lỡ bước sang ngang, Cô hái mơ, Ghen… Từ Vũ dừng lại với Gái Xuân chỉ vì trong Gái Xuân có nhắc đến tên người con gái Trần Đỗ Lộc thầm thương trộm nhớ. Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân. Vân cũng chính là tên người trong mộng của Từ Vũ.

Em như cô gái hãy còn Xuân

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần

Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở

Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân”.

Cảm xúc ý thơ, Từ Vũ đã hoàn tất tác phẩm Gái Xuân trong vòng 15 phút không sửa chữa. Nhạc phẩm Gái Xuân được ca sĩ Linh Sơn trình bày lần đầu tiên, tuy vậy phải đợi đến ca sĩ Tâm Vấn trình bày trên đài phát thanh thì Gái Xuân mới thật sự đến cùng giới thưởng ngoạn.

Có một mẫu chuyện khá thú vị mà hình như nhạc sĩ Từ Vũ đã quên khuấy từ lâu. Ấy là vào dịp ông đi lang thang trên phố hàng sách, ghé nhà xuất bản Thủy Tiên chơi. Ông chủ có nhã ý nhờ Từ Vũ soạn lời Việt cho bài Cerisier Rose et Pommier Blanc.

Dường như nhạc điệu và ca từ qua giọng ca André Claveau đã thấm sâu trong Từ Vũ từ hồi nào, nên ông thảo ngay lời Việt dễ dàng trong vòng 30 phút và nhận tiền nhuận bút “gọi là” với: “Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu/Hòa đưa khát khao duyên nồng tình yêu”.

Cảm xúc ý thơ, Từ Vũ đã hoàn tất tác phẩm Gái Xuân trong vòng 15 phút không sửa chữa

T.L

Và rồi ông cũng quên khuấy đi sau đó; mãi đến khi tình cờ bắt gặp bản nhạc Cánh bướm vườn xuân, lời Việt với tác giả Huyền Vân. Ông chỉ còn biết cười trừ, bởi một phần ông chỉ là dân nghiệp dư trong giới nghệ sĩ (ông làm việc ở nha hàng không dân sự), hơn nữa ông không có bản quyền khi soạn lời Việt giao cho ông chủ nhà xuất bản Thủy Tiên.

Từ Vũ cũng còn soạn lời Việt Cánh buồm xa xưa cho bài La Paloma

Vi vu đồi thông reo xao xác lá chiều nay thu về

Em ơi cánh buồm xa ngày xưa còn vương bao lời thề.

...

Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt tóc xanh nay phai màu

Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu”.

Sau Gái Xuân, hầu như Từ Vũ chỉ còn viết cho riêng mình, hoặc giả mang nhạc vào thơ để gửi gắm tâm tình mình cho những người thân yêu. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.