Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - Kỳ 2: Tràn xuống miền Nam

02/06/2009 00:37 GMT+7

Đó là một buổi sáng chủ nhật, trời mưa rất nặng hạt trên vùng giới tuyến ở vĩ tuyến 38. Nhưng cơn mưa của đất trời không thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh bùng cháy.

Tháng 6 là mùa mưa bắt đầu ở bán đảo Triều Tiên. Buổi sáng chủ nhật 25.6.1950, theo cuốn Phía Nam tới sông Naktong, Phía bắc tới sông Yalu của Roy Appleman, trời mưa từng chặp nhưng rất nặng hạt tại vùng giới tuyến. Vào lúc khoảng 4 giờ sáng, chiến cuộc bắt đầu.

Quân miền Bắc bất thần tấn công trên toàn giới tuyến, từ bờ biển phía đông tới bờ biển phía tây, với hàng loạt đạn pháo và cối cấp tập. Nơi bị tấn công đầu tiên là bán đảo Ongjin ở Hoàng Hải, cách không xa Seoul về phía tây. Đây là một vị trí xung yếu của miền Nam, với khả năng phòng thủ rất yếu.

Đòn ra tay bất ngờ

Theo nhà sử học Appleman, cuộc tấn công vào bán đảo Ongjin do Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 6 quân chính quy và Lữ đoàn 3 biên phòng miền Bắc thực hiện. Tại khu vực này, miền Nam có một trung đoàn do Đại tá Paik In-yup chỉ huy cùng vài cố vấn Mỹ. Khi cuộc chiến khởi sự vào sáng chủ nhật, nhiều quân nhân miền Nam tại đây chưa trở về từ kỳ nghỉ cuối tuần ở Seoul. Quân miền Bắc đã nhanh chóng chiếm được ưu thế thấy rõ. Trước tình trạng khẩn cấp, lực lượng của Mỹ chỉ kịp điều 2 máy bay L-5 từ Seoul lên để sơ tán khẩn cấp 5 cố vấn của họ tại đây.

Chiếm xong Ongjin, các đơn vị quân đội chính quy bàn giao quyền quản lý lại cho lính biên phòng để tiếp tục tiến đánh các khu vực khác. Những phòng tuyến quan trọng như Kaesong (trước chiến tranh thuộc quyền quản lý của Hàn Quốc, sau chiến tranh thuộc CHDCND Triều Tiên), Chuncheon và Munsan-ni lần lượt rơi vào tay quân miền Bắc trong một thời gian ngắn.

Có thể thấy được sự bàng hoàng của quân miền Nam và các cố vấn Mỹ qua đoạn văn sau của tác giả Appleman, trong sách Phía Nam tới sông Naktong, Phía bắc tới sông Yalu: "Vào lúc 5 giờ sáng chủ nhật, một nhóm quân nhân Hàn Quốc đánh thức Đại tá George D.Kessler, cố vấn Mỹ ở Trung đoàn 10 tại Samcheok. Họ báo rằng quân miền Bắc đã tràn qua vĩ tuyến 38. Sau đó vài phút thì có tin địch quân đã đổ bộ vào hai khu vực ở bờ biển, bao vây Samcheok. Tư lệnh Trung đoàn 10 cùng Kessler lái xe ra bờ biển quan sát thì thấy có nhiều tàu thuyền đậu phía dưới và quân địch lố nhố ở khu kế cận".

Tới tháng 9.1950, quân miền Bắc đã kiểm soát gần như toàn bộ bán đảo Triều Tiên (màu đậm), dồn Hàn Quốc và Mỹ vào Vành đai Pusan ở đông nam bán đảo

 
Ảnh: Wikipedia

Tương tự Kessler, vài giờ sau khi quân miền Bắc nổ súng, các cố vấn và quan binh Hàn Quốc tại Seoul mới cuống cuồng bàn cách đối phó. Một trong những phương án được đưa ra là phá hủy các công trình giao thông quan trọng để ngăn đà tiến công của đối phương, trong đó có quyết định đánh sập cầu trên sông Imjin. Tại các chiến trường, nhiều binh sĩ Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp đánh bom cảm tử, buộc thuốc nổ vào người rồi lao xuống gầm xe tăng đối phương. Họ cũng tổ chức được các đợt phản công tại Uijongbu nhưng rồi sau đó cũng buộc phải triệt thoái.

Bước vào ngày thứ hai và thứ ba của cuộc chiến, quân đội miền Nam đã bắt đầu nhận được sự trợ giúp nhiều hơn từ Mỹ. Nhưng trớ trêu thay, một trong những phi đội máy bay đầu tiên của Mỹ tham chiến lại không kích trúng quân Hàn Quốc ở mạn bắc sông Hàn. Tác giả Appleman cho biết rất nhiều binh sĩ miền Nam đã thiệt mạng trong sự kiện này, đến mức Đại tá Paik Sun-yup - chỉ huy Sư đoàn 1 bộ binh Hàn Quốc - đã phải thốt lên với các sĩ quan thuộc cấp: "Các ông nghĩ người Mỹ không giúp ta hả? Giờ họ đã giúp rồi đấy, thấy chưa?!".

Quân miền Bắc đã chiếm được thủ đô Seoul vào buổi chiều ngày thứ tư của cuộc chiến - ngày 28.6. Nhiều trận không chiến đã xảy ra trên bầu trời Seoul và kết quả luôn nghiêng về phía không quân miền Bắc.

Người Mỹ vào cuộc

Khi Bình Nhưỡng bắt đầu cuộc tấn công xuống phía nam vĩ tuyến 38, cũng là lúc Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson trình báo sự việc lên Tổng thống Harry Truman. Ông chủ Nhà Trắng một mặt cùng với Ngoại trưởng Acheson và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Omar Bradley vào cuộc thuyết phục Quốc hội, mặt khác ra lệnh cho Đại tướng Douglas MacArthur chuyển khí tài đạn dược cho quân Hàn Quốc đồng thời sử dụng máy bay sơ tán công dân Mỹ. Tướng MacArthur lúc này đang là tư lệnh quân Mỹ ở Nhật Bản. Ông Truman còn điều Hạm đội 7 tới bảo vệ Đài Loan đề phòng nguy cơ bị Đại lục tấn công bất ngờ, nhưng thực ra bước đi này cũng nhằm hỗ trợ cho Hàn Quốc.

Vào ngày 27.6.1950, một ngày trước khi Seoul thất thủ, Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu phản đối hành động của CHDCND Triều Tiên. Liên Xô thay vì bỏ phiếu phủ quyết đã tuyên bố tẩy chay hội nghị. Thế là nghị quyết của LHQ được thông qua. LHQ sau đó thành lập một lực lượng tham chiến bên phía Hàn Quốc, nhưng trên thực tế thì lực lượng này đều do Tướng MacArthur của Mỹ nắm.

Sau các động thái trên, Mỹ đã chính thức nhập cuộc vào ngày 30.6.1950. Đơn vị đầu tiên của quân Mỹ trực tiếp tham chiến là Chiến đoàn Smith, trực thuộc Sư 24 Lục quân đóng tại Nhật Bản. Vào ngày 5.7, đơn vị này tham gia trận đánh tại thành phố Osan và đã chịu một thất bại nặng nề, với 1.416 binh sĩ thiệt mạng và 785 người bị bắt, theo cuốn Tóm lược lịch sử Chiến tranh Triều Tiên của James Stokesbury.

Trên đà chiến thắng, quân miền Bắc tiếp tục tiến xuống phương nam, buộc lực lượng Mỹ và Hàn Quốc lui vào thế cố thủ. Đến tháng 8.1950, Bộ chỉ huy Lục quân số 8 của Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng Walton Walker và quân Hàn Quốc đã bị dồn vào một khu vực nhỏ ở vùng Đông Nam, theo tác giả Stokesbury. Khu vực này gọi là Vành đai Pusan, được bao bọc bởi sông Naktong, dòng sông đóng vai trò như một phòng tuyến ngăn quân miền Bắc. Đã nhiều lần quân miền Bắc tìm cách đánh mạnh vào Pusan nhưng không thành, do địa thế đặc biệt cũng như do quân Mỹ và lực lượng LHQ đã được tăng cường tại đây.

Trong khi đó, máy bay ném bom của Mỹ bắt đầu đánh phá các tuyến đường sắt tiếp vận cũng như kho quân lương, vũ khí của miền Bắc. Mỗi ngày, có chừng 40 đợt máy bay ném bom (chủ yếu là "Siêu pháo đài" B-29, loại máy bay từng ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản) hoạt động nhằm làm hao tổn khả năng chiến đấu lâu dài của miền Bắc.

Song song đó, vũ khí từ Nhật Bản và Mỹ tiếp tục được rót vào khu vực Pusan. Cuốn Tóm lược lịch sử Chiến tranh Triều Tiên cho biết xe tăng đã được điều từ San Francisco tới ngày một nhiều. Đến cuối tháng 8, có ít nhất 500 xe tăng Mỹ đã được tập kết quanh Pusan. Tới tháng 9, số lượng binh sĩ của quân Mỹ, LHQ và Hàn Quốc tại mặt trận nhiều hơn quân miền Bắc. Đó cũng là lúc cuộc phản công ào ạt từ miền Nam bắt đầu... (Còn tiếp)

Kỳ tới: Đánh thốc lên miền Bắc

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.