Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - Kỳ 3: Đánh thốc lên miền Bắc

02/06/2009 23:01 GMT+7

Tướng Mỹ Douglas MacArthur đã chỉ huy lực lượng LHQ kết hợp với quân Hàn Quốc lật ngược thế cờ.

Vào cuối tháng 8.1950, quân đội miền Bắc đã chọc thủng được một số phòng tuyến quanh Vành đai Pusan. Họ chỉ còn cách mục tiêu kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên một chặng đường ngắn. Tuy nhiên, càng nỗ lực tấn công vào Pusan, phe miền Bắc càng nhận thấy rằng họ thiếu quân trầm trọng cũng như công tác hậu cần ngày một khó khăn. 

Đòn hiểm của MacArthur 

Giữa lúc đó, theo cuốn Tóm lược lịch sử Chiến tranh Triều Tiên của James Stokesbury, tướng MacArthur - trong vai trò Tổng tư lệnh lực lượng LHQ tại Hàn Quốc - đã chủ trương thực hiện một cuộc đổ bộ lên Incheon (ở mạn tây bắc Hàn Quốc ngày nay), cách không xa giới tuyến. Trong khi liên quân miền Nam đang bị vây khốn tại Vành đai Pusan thuộc vùng đông nam, thì tướng MacArthur không chủ trương đánh trực diện vào mũi nhọn của quân miền Bắc để phá vây, thay vào đó, ông muốn đánh vào hậu cứ của đối phương. Chiến thuật “vây Ngụy cứu Triệu” này là nhằm cắt đôi lực lượng của miền Bắc, đồng thời phong tỏa hoạt động tiếp tế của miền Bắc cho các mặt trận phương nam. Mặt khác, quân Mỹ có thể sử dụng Incheon để làm bàn đạp tiến vào Seoul, vì hai nơi này cách nhau không xa. Bị đánh đằng sau lưng, quân miền Bắc ở Vành đai Pusan sẽ suy giảm sức mạnh. Kế hoạch của MacArthur ban đầu gặp phải sự phản đối kịch liệt của Bộ chỉ huy LHQ tại Hàn Quốc, và cả nhiều tướng tá Mỹ, vì Incheon là khu vực mà quân miền Bắc phòng thủ rất dày đặc và vùng biển này có chế độ thủy triều rất phức tạp. Tuy nhiên, tướng MacArthur vẫn thúc đẩy được kế hoạch của mình.

Để thực hiện kế hoạch đánh hậu, tướng MacArthur đã giao nhiệm vụ cho bạn thân là tướng Edward Almond - chỉ huy đội đặc nhiệm X Corps, Phó đô đốc Arthur Struble - chỉ huy hải quân, và một số tướng lĩnh khác. Theo nhà sử học Stokesbury, đến ngày 10.9.1950, 43 máy bay của Mỹ đã dội một đợt bom napalm xuống đảo Wolmi ở bờ biển Incheon để dọn đường. Sau đó, ngày 15.9, đơn vị X Corps dưới trướng tướng Almond bao gồm 70.000 binh sĩ thuộc Sư 1 Thủy quân lục chiến và Sư 7 Lục quân cùng với 8.600 quân Hàn Quốc đã đổ bộ lên Incheon trót lọt và phản đòn mạnh vào các đơn vị miền Bắc đóng ở đây. Họ đã giành thắng lợi vào ngày 19.9 trong chiến dịch có tên Chromite này. Trên đà thắng thế, quân Mỹ đã tràn xuống Seoul, đánh nhau qua từng dãy phố với quân miền Bắc. Ngày 25.9, dù vẫn còn đánh nhau, nhưng tướng Almond tuyên bố đã lấy lại được Seoul. Cục diện lúc này đã bắt đầu xoay chiều.

Giữa lúc cánh quân của các tướng Almond và Struble đánh thọc vào Incheon rồi tiến xuống Seoul, thì Bộ chỉ huy Lục quân số 8 của Mỹ cũng từ Pusan đánh mạnh ra để phá vỡ vòng vây của đối phương. Lúc này, quân miền Bắc ở Vành đai Pusan rơi vào tình thế “lưỡng đầu thọ địch” rất nguy nan - một đầu chọi với quân từ Pusan đánh ra, đầu kia chọi với quân từ Seoul tiến xuống. Kết cục quân miền Bắc rút lui.

Đánh lên phương bắc

Đến tháng 11.1950, quân miền Nam đã kiểm soát phần lớn bán đảo (màu xanh) - Ảnh: Wikipedia

Sau các đợt phản công thắng lợi, vào đầu tháng 10.1950, lực lượng do Mỹ chỉ huy đã vượt qua vĩ tuyến 38 để đánh lên miền Bắc. Trong khi lục quân Mỹ cùng với lính Hàn Quốc đánh bằng đường bộ, thì đội X Corps di chuyển trên biển và đổ bộ lên các thành phố Wonsan và Iwon ở mạn đông CHDCND Triều Tiên. Tốc độ tấn công của liên quân miền Nam trong đợt này nhanh không kém khi miền Bắc mới đánh xuống phương nam. 

Đến ngày 19.10, lực lượng miền Nam chiếm được Bình Nhưỡng và tiếp tục đánh thốc lên phía bắc, đẩy quân CHDCND Triều Tiên tới bờ sông Yalu (Áp Lục). Lúc bấy giờ, quân miền Bắc đã bị đẩy lên tận biên giới Trung Quốc. Nhà Trắng gửi lời cảnh báo tới tướng MacArthur rằng cần phải rất thận trọng khi tiến sát biên giới Trung Quốc. Một chỉ thị được Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra trong đợt này đã yêu cầu tướng MacArthur sử dụng lính Hàn Quốc thay vì lính Mỹ tại khu vực giáp giới với Trung Quốc. Có thể thấy, một cuộc chiến lan rộng với sự tham gia của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô là điều mà giới lãnh đạo Mỹ không mong muốn. Theo một số tài liệu, Tổng thống Truman lo ngại rằng một khi chiến tranh leo thang đến mức ấy, khả năng xảy ra đụng độ hạt nhân là khó tránh khỏi, vì lúc bấy giờ Liên Xô đã thử thành công vũ khí hạt nhân còn Mỹ thì đã ném hai trái bom nguyên tử xuống Nhật Bản cách đấy chưa lâu.

 Cuối tháng 10.1950, tướng MacArthur đã tin chắc vào một chiến thắng cuối cùng. “Chiến tranh đã kết thúc. Trung Quốc không tham chiến... Sư đoàn 3 có thể trở về căn cứ Fort Benning để đón Giáng sinh”, MacArthur nói, theo cuốn Mùa đông lạnh nhất: nước Mỹ và Chiến tranh Triều Tiên của David Halberstam. Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó đã vượt ngoài tiên liệu của vị tướng này. 

 (Kỳ tới: Trung Quốc tham chiến)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.