Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - Kỳ 4: Trung Quốc tham chiến

03/06/2009 22:48 GMT+7

Giữa lúc tướng Mỹ Douglas MacArthur đang mơ tưởng đến kỳ Giáng sinh cuối năm 1950 thì chí nguyện quân Trung Quốc ồ ạt tiến vào bán đảo Triều Tiên.

Vào cuối tháng 6.1950, khi Chiến tranh Triều Tiên mới nổ ra, Mỹ đã cho Hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan. Theo sử gia James Stokesbury trong cuốn Tóm lược lịch sử Chiến tranh Triều Tiên, bước đi này đã chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Washington đã can thiệp vào chuyện nội bộ của mình. Việc Mỹ đưa quân đánh thốc lên gần sông Áp Lục, sát biên giới Trung Quốc, càng khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lên ruột.

Chí nguyện quân nhập cuộc

Trước khi tiến vào bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các hành động quân sự của Mỹ. Bắc Kinh cũng cáo buộc máy bay Mỹ đã ném bom làng mạc và thị trấn của Trung Quốc ở khu vực giáp giới với CHDCND Triều Tiên. Nhiều tài liệu đã được giải mật từ Moscow và Bắc Kinh tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã thuyết phục Liên Xô giúp đỡ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Liên Xô chủ yếu hỗ trợ phương tiện chiến đấu cũng như tập kết máy bay ném bom gần bán đảo Triều Tiên, còn lực lượng quân nhân tham chiến trực tiếp thì không đáng kể.

Gần như ngay sau khi Bình Nhưỡng thất thủ vào ngày 19.10 và liên quân do Mỹ chỉ huy áp sát bờ sông Áp Lục, chí nguyện quân Trung Quốc đã vượt biên giới tiến vào bán đảo Triều Tiên. Tư lệnh chí nguyện quân là tướng Bành Đức Hoài; ông này được chỉ định thay cho Lâm Bưu, người trước đó cáo bệnh, sang Moscow điều trị. Lúc bấy giờ, các tướng lĩnh Mỹ có phần coi thường quân Trung Quốc, họ cho rằng đối phương “trang bị vũ khí thô sơ và thậm chí không có không quân”. Tướng MacArthur từng tuyên bố nếu quân Trung Quốc mà tiến đến Bình Nhưỡng thì “chắc chắn sẽ hứng chịu một cuộc tàn sát”, theo James Schnabel trong cuốn Quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên (xuất bản năm 1992).

 

Với sự xuất hiện của quân Trung Quốc, đầu năm 1951, miền Bắc đã đánh mạnh xuống dưới vĩ tuyến 38 - Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vị tướng Mỹ nghĩ. Quân Trung Quốc đã hành quân từ Mãn Châu tới CHDCND Triều Tiên một cách nhanh chóng và sử dụng các biện pháp ngụy trang khéo ngoài sức tưởng tượng. Họ đột kích vào nhiều phòng tuyến của Mỹ và Hàn Quốc như từ dưới đất chui lên, khiến đối phương không kịp trở tay. Ở một số nơi, với lợi thế về quân số, người Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật biển người để chống lại sự vượt trội về vũ khí của đối phương. Kết quả các trận chiến này thường là quân Trung Quốc có tổn thất về sinh lực nhưng họ vẫn giành chiến thắng. Một điều bất ngờ nữa là các chiến đấu cơ MiG-15 do Liên Xô sản xuất của quân đội Trung Quốc đã tạo ra thách thức lớn cho các máy bay F-80 của Mỹ. Sau đó, khi Mỹ triển khai thế hệ máy bay mới hơn là F-86 thì Mỹ mới giành lại được ưu thế.

Đến cuối tháng 11.1950, liên quân Trung - Triều bắt đầu tổng công kích để đẩy lùi quân Mỹ và Hàn Quốc xuống phía nam. Trong trận đánh ở hồ Chosin bắt đầu từ ngày 26.11, 3.000 quân từ Sư đoàn 7 bộ binh và khoảng 15.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đã bị biển người Trung Quốc với khoảng 150.000 quân vây hãm và kết cục là có khoảng 15.000 lính Mỹ tử trận, theo cuốn Thủy quân Lục chiến tại hồ Chosin của William Hopkins (1986).

Trên đà thắng thế, liên quân Trung - Triều tiến xuống giải phóng Bình Nhưỡng vào ngày 6.12 và tới đầu năm 1951 đã đẩy đối phương qua khỏi vĩ tuyến 38 rồi sau đó chiếm luôn Seoul. Đến lúc này, cuộc chiến bắt đầu chuyển qua thế giằng co, có khi liên quân do Mỹ đứng đầu đẩy đối phương lên phía bắc vĩ tuyến 38, lúc khác liên quân miền Bắc lại tiến xuống phía nam giới tuyến. Các cuộc giao tranh đẫm máu trong hầm hào xung quanh vùng giới tuyến diễn ra y hệt hình thức “chiến tranh hầm hào” hồi Thế chiến 1. Và đôi lúc, trong tình thế bất phân thắng bại, người ta đã tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mấp mé địa ngục hạt nhân

Giữa lúc chiến sự đang diễn ra hết sức căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tham chiến, giới lãnh đạo Mỹ đã tính đến khả năng dùng vũ khí hạt nhân. Theo sử gia Bruce Cumings trong cuốn Nguồn gốc của Chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Harry Truman - người từng ra lệnh ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản thời Thế chiến 2 - trong cuộc họp báo ngày 30.11.1950 đã bóng gió đề cập tới khả năng ném bom hạt nhân. Tác giả Cumings giải thích rằng sở dĩ Truman sau đó đã tước quyền tư lệnh tối cao chiến trường Triều Tiên của tướng MacArthur (vào tháng 4.1951) vì ông chủ Nhà Trắng cho rằng vị tướng nổi tiếng kiêu ngạo này không đáng tin cậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Cùng ngày với cuộc họp báo của ông Truman, các tướng lĩnh không lực Mỹ đã chỉ đạo cho Bộ chỉ huy Không quân chiến lược “gia tăng năng lực chiến đấu, trong đó có năng lực hạt nhân”. Sử gia Cumings cho hay giới lãnh đạo Mỹ đã tiến gần nhất tới khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân vào tháng 4.1951. Vào cuối tháng 3.1951, sau khi Trung Quốc điều động thêm quân vào bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã mang bom chiến lược chưa được lắp hạt nổ hạt nhân tới căn cứ Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Tới ngày 5.4, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã đề cập tới khả năng ném bom hạt nhân xuống các căn cứ của Trung Quốc ở Mãn Châu để triệt tiêu khả năng tiếp viện của đối phương. Một số ý kiến khác cho rằng nên ném bom vào hậu phương của CHDCND Triều Tiên.

Tới tháng 10.1951, Mỹ mở chiến dịch Cảng Hudson để thiết lập khả năng ném bom hạt nhân. Từ căn cứ ở Okinawa, từng chiếc máy bay B-29 đã thực hiện các chuyến bay tới CHDCND Triều Tiên để thả bom giả hoặc các loại bom có sức công phá lớn. Đây là màn tập dượt cho khả năng ném bom hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Theo sử gia Cumings, vào giai đoạn này, các nỗ lực đàm phán do LHQ thúc đẩy đã làm lóe lên những tia hy vọng, dù nhỏ nhoi nhưng chừng đó cũng đủ để khiến Mỹ không nóng vội với kế hoạch sử dụng vũ khí hủy diệt. Bên cạnh đó, ý tưởng sử dụng bom hạt nhân của Mỹ cũng không nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh, trong đó có khối Liên hiệp Anh và Pháp. Các nước này cho rằng nếu Mỹ làm quá ở Đông Á, Liên Xô có thể trả đũa bằng cách tiến mạnh vào châu u, khi đó chiến tranh thế giới có thể nổ ra và châu u sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề. Chính những điều đó mà Mỹ đã không sử dụng vũ khí hạt nhân, như họ từng làm ở Nhật Bản.

Nhân loại tránh được thảm họa hạt nhân, nhưng bóng ma chiến tranh thì vẫn còn.

Kỳ tới: Khát vọng thống nhất

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.