Khi cựu quân nhân Mỹ Timothy McVeigh tàn sát 168 người ở Oklahoma vào năm 1995, người ta không quá khó khăn để tìm kiếm lời giải thích ở một đất nước ngập tràn súng ống cùng những chia rẽ chính trị và tôn giáo. Nhưng Na Uy thì khác.
Giữa những giọt nước mắt đau buồn, người dân Na Uy vật lộn với câu hỏi tại sao một thành viên trong số họ - sản phẩm của một trong những xã hội cởi mở và thịnh vượng nhất châu u - có thể thực hiện một cuộc tấn công đẫm máu như thế.
|
Một phụ nữ 52 tuổi ở Oslo tên Tine Poole thảng thốt nói với tờ Wall Street Journal: “Na Uy đã thay đổi chỉ trong một ngày. Đây là nơi cuối cùng mà một chuyện như thế có thể xảy ra”.
Hòa bình và thùng thuốc nổ
Nơi cuối cùng mà bà Poole nói đó là Oslo, thủ đô nổi tiếng với giải Nobel Hòa bình, song nó không phải thay đổi chỉ trong một ngày. Có một điều mà có lẽ không nhiều người nhớ rằng cha đẻ của giải thưởng Nobel, Alfred Nobel, từng làm giàu bằng thuốc nổ.
Sự tương phản đó, trớ trêu thay, là hình ảnh tiêu biểu cho một Na Uy thanh bình trong những ngày tang thương này. Đằng sau vẻ thanh bình, thịnh vượng ở Na Uy nói riêng và Bắc u nói chung là một xã hội già cỗi đang chực chờ bùng nổ bởi những mầm mống xung khắc.
Trong phiên tòa xử kín hôm, 25.7, kẻ thảm sát hàng loạt Anders Behring Breivik nói hắn thực hiện các cuộc tấn công giết hại 76 người để gửi tín hiệu đến chính phủ cánh tả của Na Uy rằng họ phải ngừng việc “phá hủy văn hóa Bắc u và nhập khẩu người Hồi giáo hàng loạt”.
“Breivik dĩ nhiên hành động một mình khi thực hiện tội ác”, Giám đốc Trung tâm chống phân biệt chủng tộc ở Oslo - Kari Helene Partapuoli nói với AFP. “Song điều đáng quan tâm là hắn được hình thành trong một bối cảnh chính trị - xã hội nhất định và vụ xả súng không phải là ngẫu nhiên”, ông cho biết.
Dọc khắp châu u, từ Thụy Điển đến Ý, một làn sóng cực hữu đang nổi dậy. Geert Wilders, ngọn cờ đầu của chủ trương bài Hồi giáo mà Breivik rất ngưỡng mộ, vốn là lãnh đạo một đảng lớn thứ ba ở Hà Lan. Tại Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc có xu hướng chống nhập cư Marine le Pen cũng nổi tiếng như Nicolas Sarkozy.
Nhiều trong số các đảng cực hữu đã từ bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai như trong quá khứ và thay thế chúng bằng niềm kiêu hãnh văn hóa và dân tộc vốn dễ được đón nhận hơn.
Các phong trào cực hữu đã nhanh chóng lên án Breivik là một kẻ thần kinh hoang tưởng. Tuy nhiên, bản tuyên ngôn dài 1.500 trang mà Breivik tung lên mạng trước vụ tàn sát cho thấy hắn chia sẻ nhiều mối quan tâm với các đảng phái cựu hữu: Đó là nền văn minh phương Tây đang bị đe dọa bởi những nhược điểm của chủ nghĩa đa văn hóa, bản sắc dân tộc đang bị lu mờ trước làn sóng người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo, và hệ thống chính trị chính thống đồng lõa hoặc quá mềm yếu trước mối đe dọa hiện hữu đó.
Cơn sốt của phong trào cực hữu không tạo ra Breivik song nó thúc đẩy hắn và những kẻ cực đoan khác tiến gần đến việc hành động.
Từ “tuyên ngôn” đến hành động
Với tình trạng thất nghiệp lan tràn tại nhiều nước châu u, mối băn khoăn lo lắng về một hiện thực xã hội mới đang ngày càng tăng lên. Sự kết hợp giữa mức thuế lao động cao và thị trường lao động khốc liệt đang đẩy nhiều người ra bên rìa xã hội, đặc biệt là những người trẻ. Những nỗi khốn khổ của người thất nghiệp được các đảng phái chống nhập cư đổ trách nhiệm cho người nước ngoài. Họ cho rằng người nhập cư tước mất việc làm cũng như chia sẻ hệ thống phúc lợi mà theo họ, lẽ ra sẽ thuộc về những “công dân đích thực”.
Theo ông Magnus Ranstorp, Giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đe dọa Bất cân xứng thuộc Học viện Quốc phòng Thụy Điển, sự trỗi dậy của phong trào cựu hữu ở châu u được xem như là phản ứng chậm của môi trường hậu 11.9.
Nhiều hoàn cảnh xung đột đã hội tụ thành một cơn bão: các sự kiện khủng hoảng như phản ứng của người Hồi giáo với vụ tranh biếm họa Đan Mạch, các âm mưu khủng bố của al-Qaeda, phong trào mùa xuân Ả Rập cùng làn sóng người tị nạn. Tất cả cộng với cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra mối lo âu cho nhiều người châu u đồng thời mang đến thời cơ cho những kẻ kích động cực hữu.
Thông điệp về các mối đe dọa được phóng đại bởi các cộng đồng trên mạng và mạng xã hội. Ngoài ra, các lãnh đạo chính trị ở châu u như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đổ dầu vào lửa với những tuyên bố công khai về sự thất bại của chủ nghĩa đa văn hóa trong thời gian gần đây.
Breivik đã tuyên bố vụ tấn công kép ở Na Uy là một hành động “tàn bạo” nhưng “cần thiết” trong cuộc thập tự chinh chống lại chính sách nhập cư tự do và làn sóng Hồi giáo.
|
Theo tờ tạp chí chống phát xít Expo của Thụy Điển, trong lúc người ta không xác định được mối liên hệ trực tiếp giữa bạo lực và những bình luận của các chính trị gia, lối nói khoa trương đã tạo ra môi trường màu mỡ cho các cuộc tấn công có động cơ sắc tộc.
Nhà báo Johannes Jakobsson của tờ Expo nói: “Đảng Dân chủ Thụy Điển tấn công người Hồi giáo bằng một hệ tư tưởng rất hung hăng… Việc nói về người Hồi giáo theo kiểu như thế đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn”.
Bắc u: Thiên đường đã mất?
Cho đến những năm 1970 và 1980, gần như không hề có cộng đồng người ngoài châu u nào ở Bắc u. Tuy nhiên, kể từ đó vùng Scandinavia đã trở thành thiên đường cho hàng trăm ngàn người chạy trốn các khu vực xung đột ở Nam Tư cũ, Somalia và Kurdistan…
Đơn cử như Thụy Điển đã chào đón nhiều người tị nạn từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 hơn tất cả các nước lớn ở châu u gộp lại, theo Sở Di trú Thụy Điển. Tại Oslo, tên được đặt nhiều nhất cho các đứa trẻ sơ sinh trong năm 2010 là Mohammed.
Tỉ lệ người dân được sinh ra ở nước ngoài hiện tại lớn hơn 10% ở Thụy Điển, Na Uy và ở mức 8% tại Đan Mạch. Theo ước lượng của nhà chức trách, tỉ lệ này tăng lên đến 27% ở Oslo và 80% tại những khu ngoại ô nhất định ở Thụy Điển.
Manh nha ở Đan Mạch vào những năm cuối thập niên 1990, sự gia tăng của phong trào chống nhập cư thuộc cánh hữu ở Bắc u dường như không thể ngăn cản.
Đảng Tiến bộ đã trở thành đảng lớn thứ hai ở Na Uy với tỉ lệ ủng hộ là 23% trong cuộc bỏ phiếu gần nhất. Đây là đảng mà Behring Breivik là thành viên trong nhiều năm trước khi rời bỏ vì cho rằng nó quá ôn hòa. Lãnh đạo đảng Siv Jensen vốn luôn coi “sự lan tràn của Hồi giáo” là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình.
Tại Đan Mạch, chính phủ thiểu số của liên minh dân chủ - bảo thủ từ năm 2001 đã phải cầu viện sự ủng hộ của đảng Nhân dân Đan Mạch trong nghị viện. Điều này mang lại cho đảng cánh hữu này một bệ phóng lý tưởng cho những quan điểm của mình.
Việc đảng Dân chủ Thụy Điển lần đầu tiên chiếm ghế trong nghị viện vào tháng 9 năm ngoái đã gây ra một làn sóng chấn động ở Bắc u. Cơn địa chấn chính trị đó tái diễn sau đó bảy tháng tại Phần Lan khi đảng Người Phần Lan Đích thực giành được 19% số phiếu trong cuộc bầu cử.
Giới cực hữu ở Bắc u hiện bám rễ sâu trong cơ cấu chính trị đến mức các chuyên gia nói rằng danh xưng “cực đoan” đã không còn thích hợp nữa. “Họ đã củng cố và giờ họ là một phần của xu thế chủ đạo”, Anders Hellstroem, một chuyên gia về phong trào chủ nghĩa dân tộc ở Thụy Điển nói với AFP.
Thảm kịch ở Na Uy vào tuần trước đã soi rọi ánh sáng vào một quan niệm sai lạc phổ biến về nguy cơ an ninh. Bất chấp thực tế, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không phải là mối đe dọa an ninh hàng đầu ở châu u. Các bản báo cáo của Cơ quan Cảnh sát châu u gần đây, gồm cả năm 2011, cho liên tục cho thấy phần lớn những âm mưu và hành động khủng bố lớn ở khắp châu u là do các nhóm ly khai và dân tộc chủ nghĩa thực hiện.
Những mầm mống căng thẳng về vấn đề nhập cư và sự hòa nhập ở Na Uy, Scandinavia và phần còn lại của châu u không phải là chuyện mới. Có một sự thật buồn bã là những cuộc tấn công kiểu như ở Oslo có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu.
Sơn Duân
Bình luận (0)