Boris vượt Trường Sơn - Kỳ I: 9 năm trước

25/05/2009 10:08 GMT+7

(TNTT>) Gặp nhau ở Hà Nội, Thụy Kha rủ tôi và Trung Trung Đỉnh tới một quán nhỏ trong vườn nhà của cố giáo sư bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

Quán có tên ngắn gọn nhưng khá ấn tượng: NƯỚNG. Chẳng biết nướng cái gì và “nướng” ai đây, chúng tôi ngồi uống bia với nhau. Kha giới thiệu: lát nữa em Hiền, cháu ngoại bác Nguyễn Văn Huyên, sẽ đưa cậu bạn người Pháp của nó đến gặp tụi mình. Tôi hỏi gặp làm gì, Kha cười: chàng Tây này muốn làm một phim về Trường Sơn, nên muốn hỏi ý kiến tụi mình, những cựu binh Trường Sơn. Hay quá, nhưng cũng mênh mông quá. Mà người làm phim lại là một “ông Tây con” ư ? Chờ xem.

Lát sau, Hiền dẫn Boris đến ra mắt mấy chú lính già chúng tôi. Boris trông trẻ hơn cái tuổi 32 của mình, nói tiếng Việt bập bẹ. Nhưng không sao, Hiền là cháu ngoại cụ Huyên, con nhà tông, nói tiếng Pháp như gió, dịch giùm. Vậy là tự nhiên, trước chúng tôi hiện lên một Trường Sơn thuở trước. Những ký ức bị cắt đoạn, những kỷ niệm bất chợt hiện về, chúng tôi lại say sưa triền miên trong hồi tưởng, nhiều lúc quên cả anh chàng “Tây con” ngồi trước mặt. Boris là tiến sĩ triết học, tốt nghiệp từ “lò” Đại học sư phạm Paris hẳn hoi, nghĩa là “chuẩn” và “xịn”. Tất cả sinh viên trường sau khi tốt nghiệp đều được bổ nhiệm “đầu ra” rất thuận lợi, bởi “đầu vào” của trường này là một trong hai trường chọn lọc khắt khe nhất nước Pháp. Boris sau khi tốt nghiệp đại học đã được học tiếp cao học và làm luận văn tiến sĩ triết học tại trường. Luận văn về đề tài “Tính hiện đại trong đời sống”. Một nhà triết học “mô-đẹc” đây! Nhưng tôi ngờ ngợ: “Này, Boris có liên quan gì tới nước Nga không?” Boris cười: “Tôi gốc Nga. Ông nội tôi sang Pháp từ năm 1924”. Tôi đùa: “Thế ông nội Boris là trí thức hay Bạch vệ?” Boris cười: “Tôi cũng chẳng biết, và cũng không quan tâm lắm. Chỉ biết mình là gốc Nga, vậy thôi”. “Thế có nói được tiếng Nga không?” Boris lại cười: “Một chút thôi”.

Thụy Kha nói: “Boris có biết người Mỹ quên không tính cái gì đã nuôi sống Trường Sơn của chúng tôi không? Họ đã quên tính tới củ sắn (củ mì)”. Củ sắn, dịch ra tiếng Pháp là gì? Hiền hơi lúng túng, có lẽ do người Pháp ít ăn sắn, nhưng Kha đã nói ngay tiếng Nga: “Manhioka”. Boris cười phấn khởi: “Manhioka, đúng rồi, tôi hiểu rồi. Nhưng vì sao củ sắn lại quan trọng như vậy?” Thụy Kha giải thích: “Người Mỹ bao giờ cũng tính toán rất kỹ: bao nhiêu bom đạn thì triệt hạ được bao nhiêu chiếc xe tải lương thực vào Nam đi qua Trường Sơn, và bao nhiêu lương thực bị tiêu hủy ấy lẽ ra có thể nuôi được bao nhiêu bộ đội Trường Sơn “ăn no đánh thắng” Mỹ. Nhưng người Mỹ đã quên không tính đến củ sắn mà lính Trường Sơn trồng trên nương rẫy tận núi cao thung sâu. Chính những cây sắn, củ sắn lẫn vào cây rừng đá núi ấy đã nuôi bộ đội Trường Sơn chúng tôi những tháng năm gian khổ nhất.”

 Trung Trung Đỉnh nãy giờ ngồi im lặng như đá núi, chợt nói: “Tôi đã sống và chiến đấu nhiều năm cùng một đội du kích Tây Nguyên, những thanh niên người Ba-na. Thời gian chúng tôi đánh giặc ở Trường Sơn ít hơn thời gian chúng tôi làm rẫy, giồng sắn. Hồi đó, không có sắn thì chết đói”. Boris gật gật đầu, có vẻ tâm đắc với... củ sắn. Thế hệ Boris là thế hệ chỉ thấy chiến tranh trên phim ảnh, trong tiểu thuyết. Chiến tranh là cái gì xa lạ với họ. Vậy mà anh chàng này lại “máu” làm một phim tài liệu về chiến tranh, về Trường Sơn của Việt Nam. Hơi lạ đấy.

Tôi hỏi lý do vì sao Boris lại chọn đề tài này, lĩnh vực này, trong khi anh là một tiến sĩ triết học. Boris trầm ngâm, rồi tâm sự: “Đúng là tôi thích thử thách mình ở một lĩnh vực mới là điện ảnh. Tôi không dám chắc mình sẽ thành công, nhưng tôi thích thay đổi, thích phiêu lưu một chút. Còn lý do tôi chọn Trường Sơn? Không phải là ý thích nhất thời đâu. Qua phim ảnh sách báo mà tôi xem được, qua hai chuyến du khảo ở một số đoạn Trường Sơn mà tôi đã thực hiện, tôi thấy Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh là một cái gì lạ lắm, lớn lao lắm. Và nhất là khi tôi được gặp một số người Việt Nam đã từng đi qua Trường Sơn, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi cảm thấy ở họ một đời sống hết sức mạnh mẽ, nhất là đời sống nội tâm, mà ở Pháp tôi khó tìm thấy. Tôi biết, làm một phim về đề tài này thật khó, tôi lại chưa phải nhà làm phim chuyên nghiệp. Nhưng tôi cứ coi đây là một “Trường Sơn” của riêng mình, tôi muốn “vượt Trường Sơn”, tôi muốn được thử thách.” Chúng tôi nâng ly lần thứ nhất, chúc Boris đến được, thấy được và vượt qua được “Trường Sơn của riêng mình”.

Trường Sơn -  đó là phần tuổi trẻ đẹp nhất của chúng tôi. Vực sâu chúng tôi đã xuống. Đỉnh cao chúng tôi đã lên. Đi ngày đầu thấy mệt, đi suốt mười ngày thì thấy thường. Mệt nhất là khi đã sốt rét mà phải leo dốc. Nhưng cứ rỉ rả rồi cũng qua được. Tôi đọc cho Boris nghe hai câu thơ của A. Blok – nhà thơ Nga vĩ đại mà chắc Boris cũng rất yêu và tự hào: “ Và cái không thể đã thành có thể - Con đường dài hóa dễ với ta...”. Hiền lại phải dịch hai câu thơ sang tiếng Pháp, và Boris lại cười rất ngây thơ: “Tôi tự hào vì mình là người đồng hương của Blok vĩ đại. Tôi sẽ “mang” Blok cùng vượt Trường Sơn”. (còn tiếp)

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.