Bớt nhọc nhằn cho nhà nông

05/03/2011 10:28 GMT+7

Hơn 30 năm gắn bó với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà dồn tất cả tâm lực, trí tuệ để nghiên cứu, phát triển cây lúa trổ bông, trĩu hạt. Đó là tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Lộc, người được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2010.

Năm 1980, đặt chân đến Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL (tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL), cô gái trẻ Nguyễn Thị Lộc thấy hụt hẫng khi cơ sở vật chất thiếu thốn, phải đi bằng ghe vào... Đó là ấn tượng đầu tiên vào 31 năm về trước của cô sinh viên miền Bắc vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành bảo vệ thực vật Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội. Tình nguyện chọn vùng đất này, cô chấp nhận từ bỏ suất giữ lại trường công tác khi nghĩ nơi mình đến sẽ là “đất dụng võ” cho công việc nghiên cứu khoa học.

 
TS Nguyễn Thị Lộc đang phân lập nấm xanh trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Quang Vinh

9 năm du học xứ người

“Ngày đầu, tôi trợn mắt khi thấy người nông dân múc nước ở kênh lên lắng phèn dùng cho sinh hoạt, có người còn múc nước lã uống, trong khi trên ruộng vừa mới phun thuốc, bón phân hóa học” - TS Lộc nhớ lại ấn tượng đầu tiên.

Nhìn cảnh đó, bà vừa sốc vừa trăn trở nhiều ngày với câu hỏi làm sao nghiên cứu được chế phẩm thay thế những hóa chất độc hại để bảo vệ mùa màng cũng như sức khỏe người nông dân. TS Lộc nói: “Có lẽ điều đó giữ chân tôi lại với vùng đất này. Sau này tôi mới biết nhiều người được phân công về công tác nhưng chỉ ngủ một đêm là bỏ về vì cuộc sống cực quá”.

"Chọn ngành nông nghiệp là tâm nguyện của tôi muốn nghiên cứu những sản phẩm giúp nông dân giảm phần vất vả, mất mùa như mẹ tôi ngày trước. Hình ảnh người mẹ quần quật trên đồng ruộng nuôi tám người con ăn học in sâu trong trí nhớ tuổi thơ tôi. Hình ảnh ấy cũng thôi thúc, động viên tôi vượt qua những trở ngại để học tập, nghiên cứu"

TS Nguyễn Thị Lộc

Cùng với sức trẻ và nhiệt huyết, cô sinh viên đã đem những kỹ thuật được học ở nhà trường đến với người nông dân. Chính sự miệt mài, cố gắng đó, bà được viện cử đi học thạc sĩ ở Ấn Độ. Khi đi du học, con đầu của bà mới 7 tuổi, đứa nhỏ hơn 3 tuổi.

TS Lộc kể: “Cuộc sống khi đó vất vả lắm, mấy đứa con ở nhà chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng, chỉ đủ ăn 10 ngày, còn lại một tay chồng gồng gánh tăng gia”. Ba tháng đầu, ngày nào bà cũng khóc đẫm gối vì thương chồng, nhớ con. Nhưng trách nhiệm nặng nề của người cán bộ được Nhà nước cử đi học đã xốc tinh thần, bà lao vào học tập, dịch tài liệu. Bảo vệ thạc sĩ với kết quả xuất sắc, bà tiếp tục học lên tiến sĩ. Sau khi xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ về nấm ký sinh côn trùng, bà được nhận học bổng sau tiến sĩ do Mỹ tài trợ với chuyên ngành công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật.

Tránh độc cho dân

“Khi tôi đi học, GS.TS Nguyễn Văn Luật - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL lúc đó - gợi ý bên Liên Xô dùng ong mắt đỏ để trừ sâu, hạn chế dùng thuốc hóa học” - TS Lộc kể. Gợi ý của viện trưởng cũng chung suy nghĩ của bà là muốn học hỏi kiến thức, kỹ thuật từ nước ngoài để góp sức xây dựng nền nông nghiệp VN theo hướng sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nông dân.

Ở Ấn Độ, hằng ngày đi học bà đều qua những cánh đồng. Một hôm thấy đám lúa đỏ quạch, bà xắn quần lội xuống ruộng vạch gốc lúa xem. Thấy rất nhiều rầy nâu bám quanh gốc lúa nhưng bên cạnh đó cũng có những con rầy bị chết mọc nấm trắng, bà tự hỏi: “Rầy chết do nấm tấn công hay nấm mọc sau khi rầy chết”. Câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong đầu, bà đặt vấn đề với thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ cho phép chọn đề tài “Khai thác tiềm năng phòng trừ sinh học của nấm trắng Beauveria bassiana đối với các loại rầy hại lúa”. Bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Về nước, bà cùng cộng sự bắt tay nghiên cứu và ứng dụng thành công hai loài nấm xanh và nấm trắng để phòng trừ rầy nâu hại lúa và một số loài sâu hại cây trồng khác. Năm 2002, đề tài “Nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng hai chế phẩm sinh học để quản lý các loài sâu hại lúa” của bà được đánh giá xuất sắc về mặt khoa học. Bộ NN&PTNT công nhận “Quy trình sản xuất hai chế phẩm sinh học M.a và B.b để quản lý các loài sâu hại lúa của Viện Lúa ĐBSCL” là tiến bộ kỹ thuật và cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Sau gần tám năm nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, hai chế phẩm sinh học nấm xanh và nấm trắng đã được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật với tên thương mại là Ometar và Biovip, được phép sử dụng ở VN để phòng trừ bọ xít, rầy hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa.

Chế phẩm có tác dụng gây bệnh cho côn trùng và lây lan mầm bệnh từ con rầy đã chết sang con rầy non mới nở nên hiệu quả trừ rầy từ 73-91,5% và giảm chi phí cho nông dân cũng như không gây hại cho người, môi trường. Để người dân dễ dàng sử dụng, TS Lộc tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất để hai chế phẩm này chuyển thành dạng bột thấm nước giúp người dân dễ sử dụng hơn.

Trong thời gian qua, dịch rầy nâu bùng phát ở ĐBSCL trong khi lượng chế phẩm không kịp sản xuất đáp ứng nhu cầu. Trăn trở nhiều đêm, TS Lộc cùng cộng sự nghiên cứu “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ” để chuyển giao cho nông dân. Qua tập huấn, nông dân một số tỉnh đã tự sản xuất chế phẩm với chi phí 50.000 đồng/ha một lần phun. Theo tính toán, việc chuyển giao này đã tiết kiệm cho nông dân hàng ngàn tỉ đồng. Có nông dân gọi điện reo mừng mời bà xuống xem.

Theo TS Lộc, đó là giây phút hạnh phúc nhất trong quãng đời nghiên cứu của mình. Bà tâm niệm rằng: “Nghiên cứu cái gì càng đơn giản càng tốt để ai cũng áp dụng được”.

TS Lộc cho biết đã phát triển hai chế phẩm nấm xanh mới để diệt rầy mềm và rầy chổng cánh hại cam quýt và bông xoài. Ngoài ra, nhà khoa học này cũng nghiên cứu, chuyển giao nhiều quy trình trồng rau an toàn, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, rau màu, cây ăn trái, mía... “Có người bảo tôi dại, sao không bí mật bán công trình nghiên cứu cho các doanh nghiệp lấy mấy tỉ đồng. Nhưng tôi nghĩ giúp người nông dân bớt được phần nào gánh nặng đã là một món quà vô giá rồi” - TS Lộc tâm sự.

Điểm tựa “hậu phương”

Mải mê nghiên cứu, cống hiến cho khoa học nhưng TS Lộc nói bà luôn hướng về gia đình của mình, nơi có “hậu phương” vững chắc là điểm tựa cho bà chính là người chồng và hai con ngoan, học giỏi. “Con trai đầu đang làm nghiên cứu sinh ở London, còn con gái mới bảo vệ thạc sĩ tại Đại học London (Anh)” - bà tự hào nhắc đến hai con. Bà bảo gia đình mình luôn đầy ắp tiếng cười.

Những năm tháng trơ trọi nơi xứ người, ngoài nghị lực, điểm tựa tinh thần của bà chính là chồng con. Điểm tựa ấy nâng đỡ bà vượt qua những trở ngại. TS Lộc kể khi còn học ở Ấn Độ, con trai mới nhận giải nhì quốc gia môn toán đã photo bằng khen gửi cho mẹ, trong thư dặn mẹ ráng học vì con và cha ở nhà cũng ráng học. Những cánh thư như nguồn tiếp sức cho người mẹ đang ngổn ngang nỗi nhớ nhà.

“Thời gian ở với con thật hiếm hoi. Khi tôi đi du học thì hai đứa còn nhỏ, khi tôi về chúng lại lên TP.HCM học, rồi đi du học” - TS Lộc tâm sự. Hai con không ai theo nghề mẹ nhưng bà không buồn, bởi quan niệm rằng thích công việc nào mới làm tốt công việc đó như nghiệp đời của bà gắn với cây lúa, với nông dân. Bà xem đó là hạnh phúc và thỏa mãn trong công việc.

Bà luôn trân trọng nhắc đến các cộng sự, những người trung thực, tâm huyết với nghiên cứu khoa học. “Nếu không có những cộng sự thì tôi không thể thành công. Thành công là của tập thể, mình chỉ là người cầm lái” - TS Lộc bảo vậy. Về giải thưởng Kovalevskaia, bà nói giải thưởng đã ghi nhận những thành quả khoa học của mình cũng như thúc đẩy hoài bão của một nhà nghiên cứu. Nữ tiến sĩ cho biết sẽ sử dụng 3.000 USD từ giải thưởng để nghiên cứu phát triển chế phẩm từ vi nấm trừ sâu hại trên các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả. Đây cũng là ước mơ nung nấu bấy lâu nay của bà.

TS Lộc không hề ngại ngần khi nhắc đến tuổi nghỉ hưu của mình. Bà nói mình vui khi nghỉ vai trò quản lý để chuyên tâm vào nghiên cứu. “Tôi còn chủ nhiệm mấy đề tài, năm nay nghiệm thu bốn, lại triển khai thêm bốn đề tài nữa...Chưa kể còn phải chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar cho nông dân một số tỉnh miền Trung nữa. Muốn nghỉ cũng không nghỉ được”. Khuôn mặt bà toát lên niềm vui, hào hứng khi nhắc đến công việc.

Vài nét về giải thưởng Kovalevskaia 

Năm 1985, giải thưởng Kovalevskaia được thành lập với sự đóng góp của hai nhà khoa học người Mỹ, GS.TS An Koblitz cùng chồng là GS Neal Koblitz. Quỹ đã hỗ trợ cho tám nước đang phát triển là Peru, EI Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambique và Việt Nam.


TS Nguyễn Thị Lộc (giữa) lấy chỉ tiêu rầy nâu sau khi phun chế phẩm Ometar - Ảnh: Quang Vinh

Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2010 được trao cho hai nhà khoa học nữ Việt Nam là PGS.TS Lương Chi Mai - phó viện trưởng, trưởng phòng nhận dạng và công nghệ tri thức, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam và TS Nguyễn Thị Lộc - trưởng bộ môn sinh thái côn trùng và phòng trừ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8-3.

TS Nguyễn Thị Lộc sinh năm 1956. Nhiều sản phẩm nghiên cứu của bà đã được ứng dụng rộng rãi, tăng hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường. Bà đã được Thủ tướng và Bộ NN&PTNT tặng bằng khen nhiều lần, được tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.