Từ đường phố đến sàn đấu SEA Games 32
Lục Đỗ Tấn Khoa, vận động viên từng 2 lần giành huy chương bạc Asian Game 2022 và 2023 cho biết breaking là điệu nhảy đường phố thuộc dòng nhảy hiphop của người Mỹ, được du nhập vào Việt Nam đầu những năm 90. Ban đầu bộ môn này được giới trẻ Việt tiếp nhận và tập luyện tự phát, chơi theo phong cách tự do. Tuy nhiên, càng về sau bộ môn này phát triển chuyên nghiệp hơn và hình thành những cuộc thi trong nước và quốc tế.
Theo Khoa, bộ môn này sử dụng hầu hết cả cơ thể từ tứ chi cho đến vai, lưng, đầu. Trong đó breaking được phân cấp từ cơ bản đến nâng cao. Để nhảy được breaking, trước nhất bạn trẻ phải thuần thục 4 động tác cơ bản. Bao gồm các động tác: side kick (đá chân phải, thu chân về, bước sang trái), up kick (đá chân phải, co người lại và đánh chân trái lên), down kick (đá chân trước và bước ra sau), indian step (đá chân phải lên và đá chân trái qua, đồng thời đá chân xoay người). Mỗi động tác này phải được nhảy trong 8 nhịp đếm.
"Từ cơ bản đó, vũ công sẽ phát triển và sáng tạo hơn những kỹ năng, động tác khó cho riêng mình. Với breaking những động tác khó có thể nói đến là xoay đầu, đá chân lên trời, cắt kéo, đá ngựa, bay, xoắn cơ thể… những kỹ thuật này vận dụng hầu như tất cả các chi trên cơ thể. Tuy nhiên, để đạt được đẳng cấp chuyên nghiệp này mất rất nhiều thời gian. Thông thường một người tập lâu năm có thể mất 6 năm mới có thể cho ra động tác đúng và đẹp. Nếu vận động viên chuyên nghiệp có thể mất đến 10 năm thi đấu và tập luyện", Khoa chia sẻ.
Cũng theo Khoa, trong thi đấu breaking vận động viên thường thi đấu đối kháng 1-1 hoặc nhóm từ 2-15 người. Mỗi đội sẽ biểu diễn đấu sẽ được chia bảng, thi theo quy định và có hội đồng giám khảo chấm điểm để chọn ra cá nhân hoặc đội hay nhất. Đối với một vận động viên breaking chuyên nghiệp sẽ tham gia các giải từ thấp đến cao, từ vòng loại Đông Nam Á (SEA Games) đến châu Á (Asian Game) và thế giới (Olympic). Nó cũng tương tự như những bộ môn thể thao thông thường khác.
Khoa chia sẻ thêm, hiện nay giới trẻ Việt ngày càng tiếp cận và có cái nhìn rộng hơn với bộ môn này. Nhiều trẻ em cũng được cha mẹ đưa đến các nơi để tập luyện. Yếu tố cần thiết để tập breaking là cảm thụ nhịp nhạc và nhịp điệu, phải tập luyện thường xuyên và có niềm đam mê với nhảy.
Breaking không phân biệt giới tính
Nguyễn Thị Hồng Trâm, vận động viên breaking quốc gia cho biết đã tham gia luyện tập từ cuối năm 2012. Breaking mang lại cho Trâm nguồn năng lượng tích cực, niềm vui và khao khát thể hiện bản thân và được là chính mình khi nhảy. Ngoài ra, breaking không chỉ đơn giản là nhảy, nó là nguồn cảm hứng cho cuộc sống, nó còn là người bạn, người yêu. Breaking mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời, giao lưu với những con người tài giỏi ở khắp nơi trên thế giới thông qua bước nhảy.
"Với cuộc sống ngày nay thì cụm từ "quậy phá" khi nhắc về breaking không còn nữa. Hiện tại tôi đã thấy mọi người đã có cái nhìn thoáng hơn, có những cách nhìn tích cực hơn, có những cuộc thi tổ chức quy mô lớn, trên truyền hình... Đây là kết quả của những điều mà nhảy mang lại, những điều tích cực, văn minh, năng lượng nên hiện tại số đông mọi người đã chấp nhận nó. Thậm chí SEA Games 23 cũng đã đưa breaking vào bộ môn thi đấu", Trâm chia sẻ.
Với Trâm, khi bắt đầu tập luyện việc khó khăn đầu tiên là không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, việc Trâm đi nhảy đến hiện tại gia đình cũng không biết. Khó khăn thứ hai của vận động viên breaking hiện nay là khó cân bằng giữa việc kiếm tiền và đam mê. Hiện tại, mức lương kiếm được từ việc dạy nhảy, thi đấu chỉ ở mức tạm ổn, nên Trâm phải đi làm văn phòng buổi sáng và đi tập, đi dạy nhảy buổi tối. Đồng thời những chấn thương khi tập luyện bởi đây là bộ môn cần nhiều thể lực, động tác mạnh, nên chấn thương là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, kể từ khi tham gia tập luyện, thi đấu Trâm cũng đã đạt được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế từ năm 2012 đến nay với bộ môn breaking, trong đó có SEA Games.
Bình luận (0)