(TNO) Người dân Brunei được xem là một trong số những người sướng nhất thế giới vì được nhà vua lo chu toàn mọi thứ.
>> Brunei ngày trở lại: Sự ưu ái đến bất ngờ
>> Brunei ngày trở lại: Niềm đam mê thể thao của vị vua giàu nhất thế giới
>> Brunei ngày trở lại: Nghẹn ngào với giá taxi
|
Lên ngôi từ năm 1967, nhà vua Hassanal Bokiah trị vị vương quốc Brunei đã 47 năm. Ông rất được người dân Brunei yêu quý và kính trọng vì những chính sách an sinh xã hội đối với đất nước mình.
Hiện vua Hassanal Bokiah nắm giữ các chức vụ quan trọng như Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Bộ trưởng Bộ tài chính của Brunei nên các quyết sách của đất nước đều do ông quyết định.
Tipindi - người dẫn đoàn U.21 VN luôn kể về đất nước của mình một cách hài lòng. Anh nói rằng, người dân Brunei không phải lo về vấn đề y tế, bởi nhà nước lo cho dân gần như 100%. Mỗi khi phải nhập viện, bệnh nhân chỉ đóng 1 đô-la Brunei chiếu lệ, còn tất cả đều do nhà nước thanh toán.
Đáng ngạc nhiên hơn, khi người dân bị bệnh nặng, nếu ngành y tế Brunei không thể chữa khỏi thì sẽ được đưa sang chữa trị tại Singapore, Malaysia và cả nước Mỹ xa xôi, kèm theo chế độ 100% cho một người đi theo chăm sóc bệnh nhân, dĩ nhiên mọi khoản chi phí đều do chính phủ Brunei thanh toán.
Chỉ tính riêng năm 2011 tới năm 2012, chính phủ Brunei đã chi trả đến 12 triệu USD cho các bệnh nhân phải điều trị ở nước ngoài.
Nghe Tipindi nói, không ít người trong đoàn chúng tôi phải ồ lên, bởi chi phí y tế luôn là gánh nặng của người dân các quốc gia khác, trong thời buổi dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
|
Không chỉ quan tâm đến mặt y tế, nhà nước cũng bao cấp cả nền giáo dục. Mọi trẻ em Brunei đều hưởng chế độ học hành miễn phí cho đến năm 18 tuổi.
Tipindi nói rằng, do các ông bố và bà mẹ không phải tốn chi phí cho con ăn học và không lo về y tế nên phần lớn thu nhập của họ dùng để chi tiêu việc riêng.
Ngoài ra mọi hoạt động khác trên đất nước của vua này cũng đều miễn phí, như việc từ xưa đến nay người dân xem bóng đá, hay các loại hình giải trí khác đều không bao giờ bỏ tiền mua vé vào cổng.
Nếu như giá 1 lít xăng ở đất nước trù phú dầu mỏ này rẻ bằng nữa giá một chai nước suối 330ml, thì giá điện cũng rẻ tương tự. Tipindi cho biết, mùa nắng nhà anh luôn mở máy điều hòa 24 giờ trong ngày, nhưng không bao giờ phải... lăn tăn, vì điện được nhà nước trợ giá.
|
Sống trong hoàn cảnh thoải mái đến vậy, nên chúng tôi thấy Tipindi lúc nào cũng vui vẻ. Nhiều hôm phải phục vụ những thành viên đội tuyển U.19 VN đến tận khuya, nhưng Tipindi lúc nào cũng giữ nụ cười thân thiện.
Một điều đặc biệt khác là với dân sô khoảng 450.000 người, dân Brunei không bao giờ phải lo sợ thất nghiệp.
Chỉ cần học ra trường, đương nhiên họ sẽ có ngay việc làm, bất kể tốt nghiệp ngành nào, loại ưu hay loại kém. Theo quy định của chính phủ Brunei, mỗi công ty nước ngoài hoạt động trên phải chi 25% tổng kinh phí dự án trên đất nước Brunei và phải có nhân viên mang quốc tịch Brunei.
Chính vì thế, khi hoạt động ở đây, các công ty phải tuyển nhân viên là người Brunei đúng theo quy định mới được cấp giấy phép hoạt động
|
Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó. Vì kiếm việc làm quá dễ dàng nên nhân viên Brunei thường bị các công ty nước ngoài than phiền là tuyển để đến tháng trả lương, chứ làm việc không hiệu quả.
Vì khỏi lo nhiều về tài chính nên rất ít người Brunei chịu khó làm giàu. Những người giàu có ở đây đa số là người gốc Hoa. Ở Brunei có câu nói thế này: “Nếu ra đường thấy xe hơi nào sang trọng thì chắc chắn đến 90% người Hoa đang ngồi trong đó”.
Bài, ảnh: Quang Huy (từ Brunei)
Bình luận (0)