Thầy thuốc đông y nào cũng nằm lòng nguyên tắc “quận thần tá sứ” khi thiết kế bài thuốc, qua đó có vị thuốc chủ lực giữ vai vua (quân), vị thuốc trợ lực như cánh tay mặt (thần), vị thuốc như chuyên gia phòng tránh phản ứng phụ (tá) và vị thuốc để toàn bài thuốc được dung nạp tối ưu (sứ) được phân bố hài hòa.
>> Nhờ nấm trị mốc
>> Mượn men này chống men kia
Cho dù chẩn đoán đúng nhưng dùng thuốc sai thì không chỉ tiền mất tật mang. Không nói chi đến chuyện thuốc dỏm, ngay cả trong trường hợp chọn được thuốc tốt nhưng khi phối hợp sai tỷ lệ thì cả thầy lẫn trò đều toi công. Thậm chí cho thuốc đúng liều lượng nhưng quên yếu tố tương tác bất lợi thì thuốc quý trở thành thuốc độc như chơi. Bệnh khi đó nếu không trở nặng mới lạ!
|
Nếu thuốc không hẳn ngày nào cũng phải uống mà còn nhiêu khê đến thế thì chuyện ăn uống còn quan trọng hơn nhiều vì cơ thể, cụ thể là các cơ quan lo chuyện giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột phải ngày nhiều lần đối đầu với đủ loại từ hoạt chất đến độc chất trong miếng ăn của thân chủ. Món ăn nếu trật chìa năm này qua tháng khác chẳng khác nào hình thức vô tình đầu độc cơ thể dài hạn.
Một ví dụ cụ thể. Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản ghi nhận là tỷ lệ ung thư dạ dày rất cao ở người mạnh miệng với món cơm trắng chỉ ăn với cá khô. Nhưng khi so sánh với nhóm đối chứng tuy ngày nào cũng khô cá với cơm nhưng có thêm chén canh tàu hũ non (miso) và ít miếng cải chua thì nhóm này lại ít vướng ung bướu ác tính trong bao tử.
Đi xa hơn nữa, chuyên gia về ung thư ở Ý ghi nhận là người ngày nào “không spaghetti không về” ít bị ung thư đại tràng nếu có món khai vị là xà lách trộn giấm. Tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp hơn nữa nếu giấm dùng trộn rau là giấm táo, nếu cà chua chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% trong đĩa rau trộn.
Hàng trăm công trình nghiên cứu về tác dụng của món ăn cho thấy khẩu phần càng đa dạng, khẩu phần có nhiều món như canh, rau, thịt cá, thay vì quá đơn điệu là đòn bẩy để cơ thể được trang bị đủ loại hoạt chất nhằm đón đầu độc chất sinh ung thư. Dẫn chứng điển hình nhất là người dân Địa Trung Hải có tỷ lệ ung thư rất thấp vì bữa ăn nào cũng có rau cải tươi thay đổi mỗi ngày bên cạnh cá biển và bánh mì ngũ cốc.
Tưởng xứ người mới hay thì lầm. Cần gì phải đợi đến kết quả nghiên cứu. Người Việt mình đã từ bao đời có bữa ăn khéo hơn nhiều vì phối hợp hài hòa với dĩa rau cải đậm đà hương vị để chấm cá kho tộ nằm cạnh tô canh chua chẳng khác nào thang thuốc hưng phấn tiêu hóa.
Chẳng những thế ngay cả với cách ăn cùng lúc nhiều món, thay vì chia đúng trình tự món khai vị, món canh, món chính, như ở phương Tây, cho thấy dân ta đã từ bao thế hệ biết cách phối vị trong bữa ăn, hiểu cách tận dụng hiệu năng cộng hưởng của hoạt chất trong món ăn.
Đáng tiếc, thậm chí đáng trách, nếu bữa ăn nên thuốc bị đẩy lùi vì thực khách quá tất bật nên chọn thức ăn nhanh, chọn thực phẩm công nghệ để rồi đánh đổi bằng căn bệnh nào đó.
Nói có sách không bằng mách có chứng. Người Eskimo ở quê nhà của họ rất ít khi thiếu máu cơ tim dù trời lạnh hơn tủ đông đá, dù họ chỉ có ít món ăn gia truyền. Người Eskimo được định cư ở Mỹ có tỷ lệ nhồi máu cơ tim rất cao dù căn nhà ấm áp nhưng họ vì cuộc sống nên đành quanh năm chọn hamburger. Ước gì dân mình cũng nhận ra bài học từ chuyện buồn của xứ người.
BS Lương Lễ Hoàng
(Trích từ loạt bài Y thuật trong món ăn Việt Nam dành riêng cho chương trình Chiếc thìa vàng 2014)
Bình luận (0)