Từ khi có tivi, vào những bữa cơm chiều, các thành viên trong nhà biếng nhác nhìn mặt người thân mà chỉ tập trung nhìn “khuôn mặt chữ điền, khá đẹp nhưng thường đổi thay sắc diện” của anh chàng diễn viên trên truyền hình với những thước phim lâm ly, gay cấn.
Những bữa cơm… phim
Bữa cơm chiều là lúc xả stress, cả nhà “tiểu kết” một ngày làm việc, học tập, nạp năng lượng từ tổ ấm để bước vào ngày mới. Nhưng rất tiếc, khi cả nhà vừa ngồi vào bàn ăn thì cũng là lúc tivi được bật lên, cuốn hút tất cả. Quên mất người thân của mình ngồi bên cạnh, ai cũng dán mắt vào màn hình, dõi theo nhất cử nhất động của các nhân vật Tây, Tàu trong phim. Những đũa thức ăn được đưa vào miệng theo quán tính, răng tự phát nhai qua loa, còn thức ăn thì vào thực quản một cách... hững hờ.
Có vẻ như người ta “nuốt” những ái, ố, hỉ, nộ vào dạ dày do tác động của từng diễn biến trong phim chứ không phải là nuốt thức ăn. Cách ăn cùng lúc với xem phim đã triệt tiêu không khí thân thuộc của gia đình, đẩy người ăn vào thế giới ảo, sợi dây liên lạc với hiện tại rất mong manh, trong khi hiện tại - bữa cơm đoàn tụ dưới mái ấm gia đình - là món quà hạnh phúc mà không phải nhà nào cũng có được.
Tùy nội dung của từng tập phim mà bữa cơm diễn ra với khá nhiều “cung bậc”. Bữa cơm “chan nước mắt” với cảnh đôi tình nhân chia ly vì gia thế của chàng là thượng lưu còn nàng mang thân phận nghèo hèn. Bữa cơm “tóe lửa” với những pha rượt đuổi, đánh đấm kinh hoàng. Bữa cơm đầy “sát khí” với ngựa hí gươm khua, máu chảy đầu rơi…
Có người sống chết với phim đến nỗi “nhập vai” luôn: vừa ăn, vừa xem, rồi hét lên khi nhân vật thần tượng của mình sắp gặp hiểm nguy: “Đừng đi nữa, có bọn cướp phía trước đấy. Trời ơi, vẫn đi hả, ngu thế!”. Thức ăn đang ngậm trong miệng văng ra tùm lum. Nhiều khi cả nhà tranh nhau dự đoán cái kết cho phim. Vợ chồng, cha con bỏ bát xuống mâm, nhao nhao lên khiến bữa cơm tối thành bữa cơm… tồi.
Đang phim, ông truyền hình bỗng độn vào những pha quảng cáo. Mọi người vẫn nhìn theo thói quen những hình ảnh phản cảm trong bữa cơm. Chẳng hạn, một giám đốc đang họp, một học sinh đang học… bỗng ôm ngực ho sù sụ. Có cả cảnh một em chân dài, giơ cánh tay lên, xịt nước hoa vào… nách trước cuộc hẹn để tạo một “làn hương quyến rũ”. Phim hết, thức ăn còn la liệt. Chứng dạ dày của bố lên tiếng. Đi viện, bác sĩ hỏi vừa rồi ăn món gì, bố nhìn mẹ, mẹ nhìn con, con bóp trán suy nghĩ hồi lâu mới nhớ. Đó là một trong những hệ lụy của bữa cơm… tất cả cho phim, thừa món ngon nhưng thiếu cái đẹp của tình cảm gia đình.
Bữa cơm êm ấm
Em trai của mình là một thị dân thành đạt. Mỗi lần ghé thăm, mình đều dùng bữa với vợ chồng chú nó. Bữa cơm thường với những món quê giản dị khiến mình rất thích. Nhưng thích nhất là không có món… tivi. Không khí bữa cơm ấm cúng và rất thoải mái. Chú ấy nói, suốt một ngày căng mình trong công việc, bữa cơm chiều bên vợ con là chọn lựa số một của em.
Đề cập đến chuyện xem phim trong bữa cơm, chú em kể: nhà em trước đây cũng có thói quen này. Em “đấu tranh” mãi mới dẹp được. Mỗi ngày chỉ có bữa cơm chiều cả nhà mới được ngồi bên nhau. Đừng để tivi khuấy động sự bình yên của những bữa cơm đoàn tụ. Xúm xít bên nhau, vợ chồng kể cho nhau nghe những vui buồn, những trải nghiệm trong công việc. Con cái kể cho bố mẹ nghe chuyện học hành, cả những băn khoăn, thắc mắc hồn nhiên của tuổi mới lớn. Hãy nghe để cảm thông và giúp nhau giải quyết những khó khăn gặp phải trong đời thường.
Nhá nhem tối. Mình cùng vợ dọn cơm. Con gái nhỏ đang xem truyền hình đưa remote lên nhấn nút. Bà nội gật đầu: “Ừ, đúng đó cháu, tắt tivi ăn cơm cho ngon”. Vợ chồng mình cũng góp lời: “Tạm thời cho tivi câm để tình cảm gia đình lên tiếng!”.
Nên sắp xếp hợp lý Đương nhiên trong bữa cơm không nên nói quá nhiều. Hãy thưởng thức những món ăn được làm từ bàn tay chăm chút của những người thân. Còn những bộ phim hay đến mức không thể không xem? Tốt nhất là nên sắp xếp hợp lý: ăn trước giờ phát phim hoặc phim xong rồi ăn để tận hưởng trọn vẹn từng thứ một. Ăn cùng lúc với xem phim làm mất cảm giác ngon miệng, thể hiện thái độ dửng dưng với người đã vào bếp làm món ăn cho mình. |
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)