Ngày 19.11, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp Hội LHPN TP.HCM, UBND H.Nhà Bè, UBND H.Cần Giờ và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông "Bữa sáng Ruy băng trắng" và "Diễn đàn cha và con trai" tại H.Nhà Bè và H.Cần Giờ. Chuỗi sự kiện có hơn 400 đại biểu tham dự nhằm thảo luận và nâng cao nhận thức về vai trò của nam giới và cộng đồng về bình đẳng giới, việc phòng ngừa, ứng phó với nạn bạo lực trẻ em và phụ nữ.
Chương trình này cũng hưởng ứng "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" (từ ngày 15.11 - 15.12), Ngày quốc tế nam giới (19.11) và "Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" (từ ngày 25.11 - 10.12) và hướng đến kỷ niệm 30 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một văn kiện quốc tế về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới năm 1995.
Từ mô hình một cửa hỗ trợ nạn nhân bạo lực, phát hiện nhiều 'trẻ em sinh trẻ em'
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận, bình đẳng giới là một trong những nền tảng cốt lõi của sự phát triển bền vững. Xác định tầm quan trọng của bình đẳng giới, trong những năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách và giải pháp để tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Theo ông Thinh, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực xâm hại "Bồ Công Anh" tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) là một minh chứng điển hình về các vấn đề của bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
"Chỉ hơn một năm vận hành, mô hình đã hỗ trợ cho 133 trường hợp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại (trong đó có 108 trường hợp sinh con ở độ tuổi từ 13 - 17 tuổi). Con số này cho thấy tình trạng "trẻ em sinh ra trẻ em" không chỉ gây ảnh hưởng về thể xác, tinh thần cho trẻ em, người bị bạo lực, xâm hại mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Đáng buồn thay, từ mô hình một cửa 'Bồ Công Anh', đã phát hiện ra người thực hiện các hành vi xâm hại/bạo lực lại là nam giới và trẻ em có xu hướng trẻ hóa quan hệ tình dục đồng thuận", lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin.
Theo ông Thinh, bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng phụ nữ, mà là vấn đề của toàn xã hội, của mọi người.
Xây dựng cuộc sống không bạo lực, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại sự kiện, bà Lê Thị Lan Phương, quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em của UN Women, chia sẻ về lịch sử hình thành của "bữa sáng ruy băng trắng", qua đó nhấn mạnh những tổn thất từ những hành động bất bình đẳng giới và hành vi bạo lực gây ra cho xã hội, dù cho là nam hay nữ.
"Trong các số liệu được công bố, năm 2023, có hơn 500 nam giới tại Việt Nam báo cáo bị bạo lực với chính quyền. Có thể thấy bạo lực giới không loại trừ bất cứ ai, nam giới cũng có thể là nạn nhân hoặc là thủ phạm. Bằng cách thúc đẩy sự thấu hiểu và trách nhiệm, chúng ta xây dựng những cộng đồng nơi tôn trọng và an toàn được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân đều có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực", bà Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các giải pháp, quan điểm về bình đẳng giới, chống bạo lực giới. Nam giới, các cặp cha và con trai cùng tham gia các trò chơi tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực. Đồng thời, các chuyên gia tại chương trình cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới.
Thông qua các hoạt động truyền thông này, nam giới và cộng đồng sẽ nâng cao hiểu biết và giảm thiểu các hành vi bạo lực giới, góp phần kiến tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chương trình đồng thời giúp kết nối các bên liên quan trong việc đồng hành cùng TP.HCM triển khai "Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2022 - 2026".
Cũng tại chương trình, để đồng hành cùng mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực xâm hại tại Bệnh viện H.Nhà Bè, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tặng UBND H.Nhà Bè 3 gói dịch vụ thiết yếu khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực giới.
Theo thông tin tại sự kiện, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người đã từng bị bạo lực thể xác và tình dục gây ra bởi người thân. Ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục.
Tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã và đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 - 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực (bạo lực tinh thần, xâm hại thể chất, xâm hại tình dục và bị bỏ bê). Gần 63% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời.
Bình luận (0)