Bức tử cây xanh: Triệt hạ bằng lăng để trồng lại... bằng lăng!?

02/11/2009 23:49 GMT+7

Không chỉ là chuyện một nhà dân trên phố muốn có khoảng trống trước nhà bèn ra tay hạ độc cây xanh, hay lâm tặc nơi thành thị lén lút chặt những cây gỗ quý mà đến cả các cơ quan quản lý cây xanh cũng bức tử cây xanh vì... quy hoạch thiếu khoa học. Mời nghe đọc bài

Nhiều ngày qua, người dân TP Huế (tỉnh Thừa Thiên -  Huế) thắc mắc trước việc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế tiến hành bứng trắng 108 cây bằng lăng trên tuyến đường Lý Thường Kiệt.

Huế có những con đường cây xanh nối hàng "dắt tay nhau" tít tắp, nhiều con đường đã đi vào thơ nhạc của bao thế hệ và tên của loài cây đã trở thành tên của những con đường trong tâm thức người dân: đường Phượng Bay (tức Đoàn Thị Điểm), đường Hàng Me (Phạm Ngũ Lão); đường Long Não (Lê Lợi); đường Hàng Đoát (Đống Đa) và đường Bằng Lăng (Lý Thường Kiệt)...

Đường Lý Thường Kiệt, bắt đầu từ cầu Kho Rèn chạy dài đến ngã 5 đường Hà Nội, mỗi mùa hè thu đẫm sắc bằng lăng tím đi vào kỷ niệm của nhiều thế hệ học trò, sinh viên và người dân TP Huế.

Vậy nên, những ngày qua khi Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế tiến hành bứng trắng hai dãy bằng lăng hơn 20 năm tuổi ở tuyến đường Lý Thường Kiệt (đoạn Đống Đa - Hà Nội) đã làm không ít người dân thành phố thắc mắc, ai đi qua đây cũng thấy nao lòng.

“Với thời tiết mùa này thì việc di dời cây và trồng lại ngay trên tuyến đường là hoàn toàn khả thi nếu các đơn vị đầu tư, thiết kế, thi công có sự phối hợp đồng bộ. Theo tôi, nếu tuyến đường mở rộng cho hàng cây nằm ngay con lươn ở giữa thì càng hay”.
Tiến sĩ Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Nông học, ĐH Nông Lâm Huế
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế, cho biết: "Việc bứng cây nhằm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án thoát nước, nâng cấp tuyến đường và mở rộng vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, (giai đoạn 1 trong năm 2009, sẽ làm đoạn từ Đống Đa - Hà Nội) do Công ty công trình đô thị Huế, làm chủ đầu tư. Theo chỉ đạo của UBND TP Huế con đường này sau khi nâng cấp dự kiến sẽ trồng các loại cây sao đen hoặc nhạc ngựa... Thế nhưng, sau khi bứng cây, công ty khảo sát lại và thấy bậc thủy cấp (nước ngầm) ở tuyến đường này quá cao, nếu trồng các loại cây trên sẽ không phù hợp, dễ bị thối rễ, nên đang làm tờ trình xin UBND TP Huế phương án trồng muồng hoa đào, ô môi hoặc trồng lại bằng lăng. Đây là những loại cây cho hoa rất đẹp, rễ có thể chịu được với mực nước ngầm cao. Nếu trồng lại bằng lăng thì chúng tôi sẽ trồng cây có đường kính khoảng 20 cm để nhanh có tán và hoa".

Trả lời câu hỏi những gốc bằng lăng hơn 20 năm tuổi sau khi bứng sẽ được làm gì, ông Ngôn cho biết: "Trước khi bứng, chúng tôi đã mời hội đồng nghiệm thu gồm Phòng Tài chính - Ngân sách, Công ty công trình đô thị Huế (đơn vị chủ đầu tư dự án nâng cấp đường và mở rộng vỉa hè) nghiệm thu, lập biên bản. Theo đó, tuyến đường sắp thi công phải giải tỏa có khoảng 108 cây chúng tôi phải bứng. Số cây này sau khi bứng, chúng tôi đã đưa về vườn ươm giống của trung tâm trồng, chăm sóc để sau này trồng lại cho các tuyến đường của Huế, theo quy hoạch của UBND TP Huế...".

Việc quy hoạch nâng cấp và mở rộng đường là việc làm cần thiết, nhưng trong dự án này, rõ ràng các bên tham gia đã không khảo sát kỹ lưỡng, vì thế mới xảy ra chuyện sau khi bứng 108 cây bằng lăng trên 20 năm tuổi mới thấy trồng loại cây khác không phù hợp nên mới đề nghị trồng lại... bằng lăng.

Cái khó hiểu thứ hai là, nếu đã trồng lại bằng lăng thì vì sao không giữ lại số cây bằng lăng đã chặt cành, đào gốc này để di chuyển vào vị trí dự kiến sẽ trồng lại (chỉ cách vài mét) mà phải mất công triệt hạ, bứng gốc, cẩu nó đến một chỗ khác rất xa rồi đưa cây bằng lăng khác cũng đã lớn (đường kính 20 cm như ông Ngôn nói) về trồng lại để chi phí tốn kém cho ngân sách? Đáng lưu ý, các chuyên gia trong ngành cho rằng, hoàn toàn có thể nghiên cứu một phương án thi công khác để giữ lại 108 cây bằng lăng 20 năm tuổi mà không phải tốn kém như cách làm hiện nay.

Đường Lý Thường Kiệt đã đi vào tiềm thức của người dân xứ Huế với sắc hoa bằng lăng tím biếc mỗi độ hè thu, nên chúng tôi thực sự băn khoăn khi nghe Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế giải thích. Thật khó chấp nhận chuyện bứng bằng lăng để trồng lại... bằng lăng!

Ứng xử với văn hóa

Việc Công ty HAIYIH cho chặt hạ cây anh đào cổ thụ đầu đường Trần Quốc Toản (gần cầu Ông Đạo - Đà Lạt, Lâm Đồng) để xây bậc cấp lên quầy trà, cà phê của công ty đã nói lên tất cả thái độ tồi tệ đối với mỹ quan đô thị.

 

Gốc cây anh đào cổ thụ bị chặt hạ - Ảnh: Lâm Viên

Cây anh đào này là một trong những cây anh đào cổ thụ được trồng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Cũng chính cây này đã khơi nguồn cho nhiều nhiếp ảnh gia cũng như du khách say mê ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng mỗi mùa anh đào khoe sắc. Nó càng có giá trị khi nằm ở vị thế đắc địa ngay trung tâm và người chụp ảnh nếu đứng ở trên chụp xuống sẽ lấy được cả hồ Xuân Hương thơ mộng.

Khi cây mới bị chặt hạ, ông Bùi Trung Đường - GĐ Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt cho rằng ông hoàn toàn không biết, tuy nhiên ông cho biết do cây này nằm trong khuôn viên của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lâm Đồng, nên việc cây bị chặt hạ là do trung tâm này chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho rằng khi đơn vị thi công mở đường tự chặt hạ cây anh đào cổ thụ không báo cáo, còn trung tâm không giám sát nên đã xảy ra chuyện đáng tiếc. Có lẽ vì vậy mà cây anh đào tuyệt đẹp này bị triệt hạ mà không ban ngành chức năng nào biết mà chỉ có người dân chứng kiến và ngậm ngùi xót xa. Việc Công ty HAIYIH cho đốn cây anh đào, gấp rút xây bậc cấp cũng chỉ mục đích thuận lợi cho việc kinh doanh thu tiền. u cũng vì chút lợi trước mắt mà người ta hành xử tệ với văn hóa!

Xin nhắc lại, trước khi Festival hoa Đà Lạt 2007 diễn ra, chính quyền địa phương đã chi khá nhiều tiền đến các vùng ven tìm mua những cây anh đào để trồng quanh bờ hồ Xuân Hương đã tạo nên một nét đặc sắc cho thành phố hoa. Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã và đang nỗ lực phấn đấu trồng một thung lũng hoa anh đào với số lượng lên đến 56.000 cây trong khu vực hồ Tuyền Lâm, nhằm tiến tới Đà Lạt sẽ tổ chức một lễ hội hoa anh đào trong tương lai không xa.

Khi gặp sự phản ứng dữ dội từ dư luận cũng như báo giới, tối 30.10, người ta đã cho trồng lại... gốc cây đã chặt hạ cách vị trí cũ 6m. Thế nhưng với việc cây anh đào cổ thụ bị chặt hạ sát gốc và bộ rễ thì gần như bị cắt cụt ngủn thì e rằng việc trồng lại cái gốc cũng chỉ là hình thức trấn an dư luận.

Lê Hân

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục phó Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ cây xanh khi thực hiện dự án

Thông tư số 20 về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị của Bộ Xây dựng được ban hành từ năm 2005 đã quy định rõ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ cây xanh khi thực hiện các dự án. Việc chặt hạ hoặc di chuyển cây xanh trong khu vực dự án chỉ được thực hiện khi đơn xin phép đã được cơ quan hữu trách có thẩm quyền phê duyệt sau khi đã cân nhắc một cách kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong khi đó, Nghị định số 23 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cũng đã nêu rõ: không chỉ có tổ chức, cá nhân chặt hạ hoặc di chuyển cây xanh trong đô thị không đúng quy định mà ngay cả cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cây xanh có sai sót trong việc cấp phép chặt hạ hoặc di chuyển cây xanh trong đô thị cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng tôi chưa nắm chắc được việc cấp phép cho chặt hạ và việc chặt hạ cây xanh của cơ quan chức năng địa phương cũng như chủ các dự án có tuân thủ đúng quy định hay không. Hiện chúng tôi đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh đô thị, dự kiến trình Chính phủ xem xét thông qua vào cuối năm nay. Hy vọng, khi nghị định này đi vào cuộc sống, việc quản lý cây xanh ở các đô thị trên cả nước sẽ đi vào nền nếp hơn, hạn chế được việc xâm hại cây xanh.

Quang Duẩn (ghi)

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.