>> Trần Hiếu

Sự mảnh mai, hương thơm quyến rũ của những nhành phong lan có vẻ đẹp kiêu hãnh luôn là hấp lực đối với nhiều người. Khát khao thưởng lãm và sở hữu của những tay chơi đã tạo nên cơn sốt lan rừng, dẫn đến nạn tàn phá loại hoa này. Nhiều cánh rừng đã trắng phong lan trong sự bất lực, xót xa của những người tâm huyết.

Lan rừng đẹp như thế này ngày càng ít dần

Thú chơi lan rừng sốt lên trong nhiều năm nay đã hình thành nên lực lượng chuyên vào rừng sâu săn tìm phong lan về bán cho các đầu nậu. Dọc các cung đường Lê Hồng Phong (TP.Kon Tum, Kon Tum), Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo (TP.Pleiku, Gia Lai) và một số điểm trên tuyến QL14 ở bắc Tây nguyên đầy rẫy các điểm bán lan rừng.

Người bản địa gùi lan rừng mới khai thác từ rừng sâu đưa về phố bán

Loại thì bán theo giò, loại bán theo mớ từ dăm bảy chục ngàn đến vài triệu đồng. Người chơi đủ thành phần. Hễ có lan mới về là khách đến nườm nượp. Ngày bình thường mỗi điểm bán lan này thu hút hàng chục lượt khách đến xem hàng, tìm mua.

Dạo quanh một vòng các điểm bán lan, chúng tôi thấy kẻ mua, người bán tấp nập. Lan ở đây chủ yếu các loài như Long Tu, Đai Châu, Thủy Tiên… với giá từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/giò.

Chị Y Nhiêu, một người mang lan từ Kon Tum về bán trên đường Hai Bà Trưng, TP.Pleiku, nói: “Nhà mình có người đi lấy lan ở rừng xa lắm. Đi vài ngày mới về. Nhiều loại lan quý, đắt tiền thì bán cho những chỗ quen đã dặn trước. Loại ít tiền hơn thì bán ở đây. Có khi gặp may vào rừng gặp lan quý bán cả chục triệu đồng đấy. Vài năm nay lan ít rồi, phải đi xa mới có, nhưng cũng ít gặp lan quý”.

Ở những điểm bán lan cũng luôn có sẵn những phụ kiện trồng lan như những miếng gỗ nhãn, gỗ vú sữa, chậu đất nung, than gỗ, rồi phân bón. Nếu không có tiền triệu để mua một giò lan quý về chơi thì cũng luôn có sẵn một số loại lan có giá chỉ hơn 100.000 đồng. Chỉ cần bỏ ra chừng trên dưới 200.000 đồng là đã có một giò lan.

Lan rừng được bày bán khá nhiều trên phố

Lan rừng càng ít khiến giá một số loại lan quý càng cao. Đây cũng là bằng chứng cho nguồn lan ngày thêm cạn kiện. Ví dụ cách đây 2 - 3 năm trước, một giò Nghinh Xuân chơi được chỉ có giá chừng 500.000 đồng thì nay đã hơn 1 triệu đồng. Giã Hạc thì quý hơn và được bán ra với giá khá cao, trên 1 triệu đồng/giò nhưng rất hiếm.

Rất nhiều người mua lan về chơi với khát khao tạo cho mình một bộ sưu tập mini về lan rừng. Nhưng cha ông ta từ xưa đã nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Vậy nên để lan mua về nhà sống được, phát triển tốt và cho hoa chẳng dễ chút nào. Nhiều người bỏ tiền hàng chục triệu đồng mua phong lan về chơi, lắp giàn tưới tự động, chăm chút bón phân từng giò nhưng cuối cùng thành… công cốc. Họ xem đó là “học phí”.

Song, đó là “học phí” hại rừng! Nguồn gien lan rừng vì thế mà ít dần đi, giảm dần sự phong phú của các loài lan Việt mà thiên nhiên ban tặng.

Anh Nguyễn Hòa, một công chức ở Gia Lai, cho biết: “Thấy thích thì mua về chăm. Tôi có trên dưới 100 giò lan các loại. Phải giăng lưới, lắp chuông báo động phòng trộm và chăm chút đủ thứ. Vậy nhưng lan sống và phát triển tốt không bao nhiêu, èo uột quá. Không gì bằng môi trường ở rừng cả”.

Anh Võ Văn Công, một người tuổi chưa tới 40 song có thâm niên chơi lan hơn 20 năm, nói: “VN là nước nhiệt đới với nhiều vùng tiểu khí hậu nên có rất nhiều loại lan rừng. Theo tôi tìm hiểu thì có hơn 1.100 giống lan. Lan rừng không dễ chơi đâu. Bỏ chăm sóc một tuần hay chăm quá đều có hại, có khi phản tác dụng. Có loài đem về chăm vài tháng thấy phát triển ngon lành nhưng sau đó bỗng quắt dần rồi chết. Vì thế người chơi phải thật am hiểu. Loại nào chăm như thế nào đều có “phác đồ” hẳn hoi. Ví dụ đơn giản như lan ở vùng rừng có độ cao lớn thì cần độ ẩm lớn, rồi phân bón... Loại này thiếu độ ẩm là chết liền. Nói chung là đừng chơi lan theo kiểu phong trào, tội rừng”.

Lan rừng đẹp như thế này ngày càng ít dần

Nhiều dân chơi cho biết phải hiểu rõ tập tính của từng loài lan để có cách chăm sóc phù hợp. Phòng nấm bệnh như thế nào, chế độ dinh dưỡng ra sao, chế độ tưới ít hay nhiều… phải hiểu. Nói đơn giản là vậy song để chăm một giò lan tươi tốt, nở hoa đúng thời điểm không hề dễ. Nhiều tay chơi chuyên nghiệp vẫn trồng không thành công nhiều giống lan rừng quý hiếm. Vì vậy, việc lan chết là điều không thể tránh khỏi.

Không phải đến khi giò Phi Điệp đột biến được giao dịch thành công tại Đà Nẵng với giá 6,7 tỉ đồng, người mê lan và giới chơi lan mới giật mình. Bởi hơn ai hết, chính họ là người hiểu được giá trị của những loài lan rừng quý hiếm. Đã từng có những giò lan rừng được giao dịch với giá hàng trăm triệu đồng. Và rất nhiều trong đó có phát xuất từ những cánh rừng của VN. Điều đó cho thấy VN là nơi có kho lan rừng với giá trị lớn. Song, kho của này đang đối mặt với sự khai thác vô tội vạ, trồng thiếu kỹ thuật dẫn đến nguy cơ lan rừng ngày càng hiếm ngay tại rừng. Tình trạng khai thác cạn kiện đã dẫn đến hậu quả nhiều loài lan quý ngày càng hiếm.

Trong số các nước Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Indonesia, VN là nước được đánh giá cao về sự phong phú các giống phong lan. VN cũng là nước có phong trào chơi lan phát triển. Dẫu vậy, đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng để phát triển lan rừng ở VN vẫn còn hạn chế trong khi Thái Lan đã xuất khẩu hoa lan đi khắp nơi và có nguồn thu không nhỏ từ phong lan.

Nguồn lan trong rừng ít dần. Theo nhiều người tìm lan thì họ phải đi xa hơn vào rừng sâu, hiểm nguy tứ bề. Vì miếng cơm manh áo, họ đã bất chấp tất cả. Những tai nạn vì vào rừng lấy lan là không hiếm. Chính vì thiếu ý thức và những kiến thức liên quan trong bảo vệ rừng cùng sự lỏng lẻo của lực lượng chức năng khiến lan rừng tiếp tục “chảy máu”!

Lan rừng đẹp như thế này ngày càng ít dần

GS-TS người Nga, Leonid Averyanov, một trong những chuyên gia hàng đầu về thực vật học, đã có ấn tượng mạnh với sự phong phú của phong lan rừng VN. Ông cũng là người góp phần phát hiện ra 3 chi mới và 51 loài lan mới, trong đó có 10 loài đặc hữu của VN và có công trình nghiên cứu được xuất bản Lan hài VN nổi tiếng. Trong một phát biểu của mình, ông đã lo lắng trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài lan đặc hữu của VN.

Nạn phá rừng ở nhiều khu vực thuộc Tây nguyên cũng chính là một trong những căn nguyên bức tử nhiều giống lan rừng. Bảo tồn, phát triển các giống lan rừng ở VN là vấn đề lớn. Dù muộn nhưng cần phải có những giải pháp cấp bách để phát huy thế mạnh giữ gìn, trồng và nhân giống phong lan trong phát triển kinh tế. Và đó cũng là cách để bảo tồn nguồn gien quý hiếm trong những cánh rừng Tây nguyên cũng như của VN.

Đồ họa: Thiên Ý | Ảnh: Trần Hiếu

Báo Thanh Niên
02.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.