Cụ Lê Duy Anh (85 tuổi, hậu duệ họ Lê tại P.Mân Thái) cho biết hôm 12.10 cụ và nhiều người dân có mộ thân nhân tại khu đất phía bắc chùa Tân Thái đã có cuộc đối thoại với UBND P.Mân Thái về công tác quy hoạch khu đất. Tại cuộc họp này, nhiều người dân cho biết, những ngôi mộ tiền hiền, hậu hiền nằm phía sau chùa Tân Thái ngày trước được gọi là Lâm Cấm. Đó là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân có công khai hoang, quy dân, lập nên làng Tân Thái và P.Mân Thái ngày nay.
“Khu mộ của các ngài tiền hiền ở phía bắc chùa Tân Thái còn có phần mộ của ông bà nội và cụ Thanh Hòa hầu Nguyễn Văn Lượng, thân phụ danh tướng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (người có công xây dựng kênh Vĩnh Tế); đô đốc thủy sư Lê Văn Thứ... Khu lăng mộ toàn các bậc tiền nhân, tiền hiền có công khai phá và trên 300 năm tuổi. Chúng ta di dời là chúng ta phá bỏ lịch sử. Đây là quần thể di tích văn hóa của địa phương, chúng tôi khẩn thiết đề nghị giữ lại khu lăng mộ để quy hoạch thành khu văn hóa truyền thống của địa phương”, cụ Duy Anh nhấn mạnh.
Tại cuộc đối thoại ngày 12.10, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay sau khi di dời cụm mồ mả (khoảng 2.000 m2) sẽ quy hoạch thành khu đất phục vụ công cộng cho khu dân cư tại vị trí phía bắc chùa Tân Thái. Viện đề xuất TP quy hoạch cây xanh, đường giao thông, quy hoạch nhà sinh hoạt cộng đồng... Những ngôi mộ tộc họ được quy hoạch tập trung về các nghĩa trang TP. Về mặt quy hoạch, ngành chức năng Q.Sơn Trà cho hay mục đích quy hoạch là để tôn tạo, sắp xếp lại các ngôi mộ. Trong đó, do mộ thân sinh Thoại Ngọc Hầu gần đường nên tôn tạo “dồn” các mộ vào sát phía trong.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, thông tin việc di dời mồ mả khỏi khu dân cư tại TP là chủ trương nhất quán của UBND TP nhưng khi thăm dò ý kiến, người dân có kiến nghị thì UBND quận sẽ nghiên cứu việc di dời có phù hợp hay không. “Hiện các ngành liên quan đang rà soát vấn đề này và sẽ có báo cáo trong tuần”, ông Trà nói.
Bình luận (0)