Câu chuyện cổ tích có thật mang tên "Mùa xuân thứ 2 cho Bùi Tấn Trường" - từ chỗ thất nghiệp làm streamer miệt vườn, thủ thành này hồi sinh rực rỡ ở tuổi 35 để trở thành một điểm tựa quan trọng cho tuyển Việt Nam trong hành trình lịch sử tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Cuối năm 2019, thủ môn Bùi Tấn Trường chia tay CLB Bình Dương, 6 năm gắn bó với rất nhiều danh hiệu bất ngờ khép lại trong sóng gió vì thông tin bị lãnh đạo CLB đất Thủ đòi mời công an điều tra tiêu cực. Chán nản và mệt mỏi vì bão chỉ trích của dư luận, Tấn Trường về nhà đi đá phủi để ổn định tâm lý. Thậm chí trong suốt 7 tháng xa bóng đá đỉnh cao đó, anh còn khởi nghiệp giấc mơ trở thành một streamer chuyên nghiệp ở quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp).
Ngày 25.5.2020, Tấn Trường đến sân Cao Lãnh xem CLB Đồng Tháp đá với Hải Phòng tại Cúp quốc gia 2020. Nhìn anh bạn đồng nghiệp Minh Nhựt bay nhảy trong khung gỗ, Tấn Trường bỗng nhớ mùi găng tay, mùi sân cỏ và không khí khán đài khủng khiếp. Anh tự hỏi Minh Nhựt cũng ở tuổi 33 như mình còn thi đấu chưa chịu nghỉ, sao mình không chơi nữa? Khi đó hạn đăng ký bổ sung V-League 2020 chỉ còn 2 ngày, Tấn Trường nghĩ đó chỉ là tâm trạng bùi ngùi thoáng qua. Bất ngờ HLV thủ môn Tiến Anh gọi điện mời anh ra thủ đô, do thủ thành Phí Minh Long chấn thương nặng phải nghỉ dài hạn. Anh nhớ lại: "HLV Tiến Anh rất thẳng thắn CLB Hà Nội cần số 2 dự bị cho thủ môn Văn Công. Sau 1 ngày suy nghĩ tôi đồng ý, đặt vé bay ra Hà Nội với tâm thế dự bị vì Văn Công bắt rất ổn định. Rất may là tôi vẫn đá phủi khi nghỉ ở nhà nên sau 2 tuần là bắt nhịp được với đội bóng mới".
Định mệnh sắp đặt Tấn Trường ra mắt trong màu áo CLB Hà Nội ở trận kịch chiến trên sân Gò Đậu của đội bóng cũ Bình Dương. Đó là trận đấu rất dữ dội khi hậu vệ Thiện Đức của Bình Dương bị choáng phải nhập viện và "mốp" một bên đầu, Quang Hải bị chấn thương chảy máu nhưng Tấn Trường chơi xuất sắc giúp Hà Nội thắng 2-0. Sau vòng 7 dự bị nhìn Hà Nội thua Sài Gòn 0-1, Tấn Trường ra sân trở lại ở vòng 8 và cùng Hà Nội hòa Viettel 1-1. Từ đó, anh chiếm suất bắt chính và mở ra mùa xuân thứ 2 trong sự nghiệp khi giúp Hà Nội thẳng tiến một mạch vô địch Cúp quốc gia và về nhì ở V-League 2020 và được đội bóng thủ đô gia hạn hợp đồng đến 2022.
Tấn Trường là một trong số ít cầu thủ có sự nghiệp gây sóng gió và tranh cãi nhất Việt Nam. Số phận đẩy anh lên sân khấu sớm, đặt ra cho anh những thử thách dữ dội, trước khi bất ngờ đền bù vào cuối sự nghiệp. Không chỉ trở thành số 1 ở CLB Hà Nội, tại thủ đô Tấn Trường còn nhận tin vui không tưởng: HLV Park Hang-seo triệu tập lên tuyển Việt Nam. Sau biết bao ngày xa nhớ, bị ngăn cách bởi điều tiếng và nghi kỵ, anh đã được trao cơ hội để lấy lại danh dự trong màu áo đội tuyển quốc gia. Để rồi khi Văn Lâm kẹt lại CLB Cerezo Osaka (Nhật Bản) vì Covid-19, Tấn Trường được ông Park trao suất bắt chính ở 3 trận cuối cùng vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Anh kể lại: "Trước trận gặp Indonesia tâm lý của tôi rất nặng nề vì nhiều người chửi quá. Thầy Park nói với tôi, quá khứ nên bỏ đi đừng nghĩ nhiều về nó vì không giúp ích gì, hiện tại và tương lai của tôi là cống hiến hết mình cho đội tuyển quốc gia. Thầy muốn tôi gạt hết quá khứ ra khỏi đầu, không quan tâm dư luận để tập trung cho tập luyện và thi đấu hết mình trên sân. Trận gặp Indonesia tôi không thể hiện nhiều vì đội đá tốt quá. Gặp Malaysia tôi có khoảng 15 phút đầu hơi căng, nhưng sau vài tình huống cản phá tôi tự tin và nhập tâm vào trận đấu, chiếm được lòng tin của thầy Park. Ra sân với lá cờ tổ quốc trên ngực và nhìn CĐV Việt Nam trên khán đài, tôi rất hạnh phúc".
Còn nhớ trước trận quyết định gặp Malaysia, tài khoản mạng xã hội của AFC bất ngờ tung ra clip chế giễu sai lầm của Tấn Trường trong màu áo CLB Bình Dương tại Champions League vài năm trước. Tấn Trường chia sẻ: "Chúng ta đều biết rằng trụ sở AFC đặt tại Malaysia. HLV Park Hang-seo gặp tôi vào nói rằng đối thủ muốn làm chúng ta xao nhãng. Tôi trả lời: "Thầy yên tâm đi. Cái gì là quá khứ sẽ là quá khứ. Trận tới chắc chắn sẽ không sao". Sau trận gặp UAE, cũng có một số người nói tôi ra hơi nhanh dẫn đến quả 11m, nhưng tôi tin người có chuyên môn đều hiểu tình huống đó diễn ra quá nhanh. Trận gặp Malaysia nếu sau quả 11m mà chúng ta thua thì không lẽ đổ hết lỗi lên lưng Văn Hậu? Lỡ sai mà quy chụp khủng khiếp thì ai dám chơi bóng đá nữa? Tôi bắt cho tuyển Việt Nam 4 trận, đội thua 7 bàn trong đó có đến 4 quả 11m. Có người còn đổ cho tôi là không bắt tốt phạt đền nên đội thua. Tôi không còn bận tâm nhiều nữa vì tuyển Việt Nam là một tập thể trong cả thắng lẫn thua. Tôi chỉ quan tâm HLV Park Hang-seo và các đồng đội luôn tin tưởng tôi. Đó mới là điều quan trọng nhất".
Tấn Trường vẫn chưa hết sửng sốt và lạ lẫm về những vận may liên tiếp "nở hoa" với anh suốt hơn 1 năm qua. Vừa dự bị cho Văn Lâm ở trận gặp Úc, thì thủ thành này bất ngờ bị đau phải nghỉ 3 tháng. Cơ hội cho Tấn Trường lại mở ra trong 2 trận làm khách sắp tới trước Trung Quốc (7.10) và Oman (12.10). "Lúc này tôi cảm thấy bình lặng vì mình vô guồng rồi. Ở tuổi tôi lúc này, có ra sân thì đấu cũng được mà ngồi dự bị cũng bình tâm. Bắt chính trước Ả Rập Xê Út xong, tôi dự bị cho Văn Lâm bắt vẫn vui vẻ vì ai bắt tốt cho đội sẽ được ưu tiên. Thầy Park sẽ có sắp xếp của thầy, còn mình là cầu thủ thì nhiệm vụ là tập luyện và nếu được giao nhiệm vụ sẽ thi đấu. Tôi đã sai và mất nhiều thì sẽ lấy lại. Quá khứ đã ở sau lưng. Lúc này tôi muốn cố gắng hết khả năng chơi bóng. Ở tuổi 35 tôi nhẹ nhõm vì xác định còn sức khỏe, còn chơi được thì nỗ lực hết sức trong hành trình lịch sử của tuyển Việt Nam và CLB Hà Nội. Thời gian vừa qua tôi đang gặp nhiều may mắn và hy vọng điều đó sẽ đến với tuyển Việt Nam".
Mùa xuân thứ 2 như câu chuyện cổ tích có thật, cho sự nghiệp "tiền hung, hậu kiết" của Bùi Tấn Trường. Từ chỗ tưởng như giải nghệ và chuyển hướng làm streamer miệt vườn, anh hồi sinh rực rỡ để đang là một điểm tựa quan trọng cho tuyển Việt Nam tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 lịch sử. Nhưng may mắn đó chỉ đến sau rất nhiều mồ hôi, quyết tâm và kiên trì trên sân tập với các đồng đội có người sinh năm 2000 còn có thể gọi anh là chú. Anh bày tỏ: "Tôi nghĩ sau khi về nhà nghỉ cuối năm 2019 thì may mắn đến với tôi nhiều, nhưng điều kiện tiên quyết là tôi phải nỗ lực.
Trở lại đội tuyển, ở tuổi 35 tôi đã phải cố hết sức để theo kịp khối lượng tập rất nặng. Tôi chỉ nghĩ để thầy Park ấn tượng lần sau còn gọi lên chứ không nghĩ đến ngày được bắt chính. Tôi nhìn ra trong bóng đá tài năng đáng ghi nhận nhưng phải đi kèm nỗ lực vì không tập luyện nghiêm túc thì cơ hội đến cũng thua. Tài năng sớm mà buông thả thì sự nghiệp đi xuống đến khi giật mình nỗ lực thì sự nghiệp không kéo lại được.
Tuổi trẻ của tôi đã gắn liền với nhiều sai sót đến mức nhiều khi không hiểu tại sao mình là cầu thủ chuyên nghiệp mà đôi khi lại phạm phải sai lầm như cầu thủ nghiệp dư. Đó là những lỗi rất đáng trách vì nhiều lúc tôi thiếu tập trung. Tôi sai tôi chịu nhưng nhiều người nghi bán độ đã trở thành ám ảnh đeo bám tôi suốt một thời gian dài. Rất may, cuối sự nghiệp tôi may mắn được trao cơ hội để tiếp tục chơi bóng và lấy lại niềm tin, danh dự trong màu áo tuyển Việt Nam".