Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết có hai quy định liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong dự luật không phù hợp với các luật trước đã quy định. Thứ nhất, quy định NTD không phải chứng minh sản phẩm bị lỗi mà trách nhiệm đó thuộc về thương nhân là không đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bởi nếu xác định đây là tranh chấp dân sự thì theo luật, cả hai bên đều phải có trách nhiệm chứng minh. Thứ hai, nếu quy định những vụ án bảo vệ quyền lợi NTD do tổ chức bảo vệ NTD khởi kiện hay bản thân NTD tự khởi kiện đều phải tự chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án là vô lý. Theo luật hiện hành thì ai thua kiện người đó phải chịu án phí.
Cần có vai trò của nhà nước
Theo nhận xét của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của QH, dự luật Bảo vệ NTD chưa có quy định về trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ NTD, mà chủ yếu giao cho các tổ chức xã hội. "Có những dịch vụ như chất lượng giáo dục, chất lượng khám chữa bệnh và liên quan tới học phí, viện phí cần quy định trong luật để nhà nước tham gia tổ chức, quản lý các dịch vụ này đảm bảo quyền lợi cho NTD", ông Thi đề xuất.
"Tôi tán thành ý kiến của anh Đào Trọng Thi là phải làm rõ vai trò của Nhà nước trong bảo vệ NTD, không thể phó thác hết cho các tổ chức xã hội và để NTD với nhà sản xuất kinh doanh tự dàn xếp với nhau", bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, hưởng ứng. Bà Mai dẫn ví dụ về bài học sữa chứa melamine ở Trung Quốc hay chuyện giá sữa liên tục tăng cao ở VN thời gian qua và đặt vấn đề: "Chẳng lẽ những chuyện như vậy lại để NTD và nhà sản xuất tự giải quyết với nhau. Giá thuốc cũng vậy, doanh nghiệp tự kê khai, NTD không biết mức giá bao nhiêu là hợp lý. Nếu không quy định vai trò quản lý nhà nước trong luật thì ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi NTD trong trường hợp đó?".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Thu Ba đề nghị nên giao cho Viện KSND một số quyền bảo vệ lợi ích chung cho NTD để trong trường hợp quyền lợi số đông bị xâm hại, tổ chức này có thể đứng ra khởi kiện bảo vệ lợi ích chung vì có hiểu biết về luật, có nghiệp vụ điều tra, có hệ thống mạng lưới Viện KSND ở các cấp, đủ điều kiện để chứng minh được thiệt hại nhà sản xuất kinh doanh gây ra cho NTD.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước nhất trí với quan điểm Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ NTD, đồng thời đề nghị Luật Bảo vệ NTD bổ sung thêm quy định: "Các doanh nghiệp và đại diện hợp pháp của doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Trong trường hợp doanh nghiệp thấy sản phẩm của mình bị làm nhái, làm giả phải công bố cho xã hội biết và đề nghị các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cùng với mình đứng ra bảo vệ quyền lợi NTD".
Nguyệt Minh
Bình luận (0)