Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 vừa được Bộ GD-ĐT công bố cuối tuần qua có thể nói là một cuộc “cách mạng” về tư duy và quản lý của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Quy chế cũng thể hiện được tính nhân văn.
Điều đáng mừng đầu tiên là Bộ đã bỏ quy định về mức điểm chênh lệch đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và quy định cho phép các trường đào tạo theo địa chỉ sử dụng (thường gọi là Điều 33). Các quy định này nhằm nới rộng khoảng cách ưu tiên điểm khu vực để tạo điều kiện cho thí sinh (TS) vùng dân tộc thiểu số được đi học, đồng thời giúp các địa phương khó khăn về nguồn tuyển cán bộ được cử người đi học với những chính sách ưu tiên.
Trên thực tế, lâu nay Điều 33 là cái “phao cứu sinh” của nhiều trường ĐH. Do Bộ không quy định công khai và cụ thể những tiêu chí thực hiện nên hằng năm, trường nào “chạy” giỏi sẽ được hưởng ưu tiên này. Vì thế mới nảy ra thực trạng, trường tuy mang tiếng là đào tạo cho địa phương nhưng tuyển sinh trên cả nước. TS thi vào những trường này có điểm chuẩn bằng điểm sàn rồi lại được hưởng bao thứ ưu tiên nên có trường hợp mỗi môn thi chỉ khoảng trên 2 điểm là đã nghiễm nhiên vào ĐH. Với những trường ĐH này, mục tiêu cần hướng tới mà làm sao để hưởng được Điều 33!
Nhiều năm nay đào tạo theo địa chỉ sử dụng đã bị biến tướng thành việc nhận TS điểm thấp, đóng tiền cao. Báo Thanh Niên đã có nhiều loạt bài cho thấy TS của hệ này không phải là đối tượng mà địa phương gửi đi đào tạo, các đơn vị liên kết đào tạo với trường ĐH cũng không có nhu cầu sử dụng nhân lực… Đây chẳng qua là hình thức để các trường nhận thêm chỉ tiêu và có được một nguồn thu rất lớn.
Những quy định này tồn tại không những tạo ra tiêu cực trong đào tạo mà còn góp phần làm hoen ố đạo đức của những người có trách nhiệm trong khi thực hiện cơ chế “xin-cho”.
Dư luận cũng hết sức đồng tình có thêm quy định tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia và xét tuyển những TS ở huyện nghèo vào ĐH. Đối với những TS người dân tộc, huyện nghèo, chính sách này còn giúp họ vào ĐH chính danh hơn. Thà rằng công khai như thế còn hơn để những TS này thi tuyển chật vật, hưởng đủ loại ưu tiên nên điểm thấp mà vẫn được vào học, rồi lại không theo kịp chương trình. Đó là chưa kể, không ít trường đã lợi dụng chính sách ưu tiên này như đã phân tích ở trên.
Việc giao quyền chủ động, tự chủ trong xét tuyển cho các trường ĐH-CĐ đã thể hiện rõ trong quy chế năm nay. Trường muốn xét tuyển bao nhiêu đợt cũng được, nhận giấy báo điểm của TS bằng bản chính hay bản sao là do trường quyết định… miễn sao tuân thủ theo những quy định chung. Đây là điều mà khoảng 10 năm trước đã có ý kiến đề xuất nhưng đến nay mới trở thành hiện thực.
Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 chỉ mới bắt đầu. Sẽ còn sớm để nói rằng đây có phải là kỳ tuyển sinh thành công hay không và những điều chỉnh trong quy chế khi vận hành vào thực tế sẽ hiệu quả đến đâu. Nhưng rõ ràng những thay đổi này là một điểm tựa để thúc đẩy mọi thứ vận hành và phát triển theo hướng tích cực hơn, tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH mà toàn xã hội đang mong đợi.
Thùy Ngân - Vũ Thơ
Bình luận (0)